Ruổi rong cùng nỗi nhớ của cây bút nữ xứ Trầm
Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền, cây bút nữ quen thuộc của Khánh Hòa vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách mới với tên gọi khá thú vị: 'Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ' (Nhà xuất bản Lao động).
Thoạt đầu, những tưởng nội dung cuốn sách sẽ xoay quanh về vùng đất Sài Gòn, nơi mấy năm gần đây, sau khi nghỉ hưu, nhà văn từ Nha Trang vào sinh sống cùng các con của mình. Nhưng, không chỉ có Sài Gòn, mà ở đây, vùng đất Nha Trang, Khánh Hòa được tác giả tập trung khai thác khá nhiều. Mỗi một tạp bút trong số 38 tạp bút được đưa vào cuốn sách là những kỷ niệm, ký ức, suy tư về những khoảnh khắc mà chính tác giả đã trải qua khi còn bé đến lúc trưởng thành. Từ chuyện đi bộ buổi sáng hay ngồi ở một quán cà phê ven sông, lặng nghe tiếng ve kêu trên hàng cây cổ thụ trong lòng thành phố, hoặc lang thang trên bến xe buýt…, thông qua những nỗi nhớ của mình, tác giả đã mang đến cho người đọc bao chuyện về tình đời, tình người giữa cuộc sống sôi động nhưng yên bình và đầy lòng nhân ái.
Vốn sinh ra, trải qua cuộc đời niên thiếu ở Thành cổ Diên Khánh, sau đó lớn lên, làm việc tại Nha Trang nên Đào Thị Thanh Tuyền không chỉ am hiểu mà còn gắn bó với vùng đất ven biển này bằng những tình cảm máu thịt. Phong cảnh, lễ hội, ẩm thực, nếp sống của họ hàng, người thân, láng giềng, bạn bè… lấp lánh đủ màu sắc như dòng chảy hiện lên đầy ắp trong từng tạp bút. Bao nhiêu địa danh như: Diên Khánh, Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh… mỗi nơi một vẻ, mỗi nơi nói về một nội dung được tác giả khai thác, thể hiện với tình cảm trân trọng, yêu thương. Ngay cả khi viết về một vấn đề gì đó của Sài Gòn nhưng chị lại quay về Nha Trang, Khánh Hòa bằng cách “tôi nhớ ngày xưa”, hay “tôi nhớ hồi tôi còn bé”… như để so sánh, như để giới thiệu những mảnh hồn cốt quê hương không phai mờ trong tâm trí mình.
Với lối văn tường thuật, kết hợp miêu tả, ruổi rong cùng những nỗi nhớ, Đào Thị Thanh Tuyền đã kể một cách nhẩn nha, hết chuyện này đến chuyện khác, nhưng cấu trúc luôn rất chặt và phía sau là những chi tiết được thể hiện linh hoạt, đa dạng, đầy hình ảnh. Điều đáng nói là đề tài trong tạp bút của chị đa số không đi vào những vấn đề lớn lao, gai góc mà thường khai thác những điều rất đơn giản trong cuộc sống quanh mình, có khi đó chỉ là chuyện xung quanh về món cà tím (trong Cà tím nhớ thương), món rau tập tàng (Rau hàng rào), món bánh nghệ (Bánh nghệ ngày xưa), một cái quán nhỏ (Quán nhỏ ven sông)... nhưng đã khơi gợi cho người đọc bao điều. Chẳng hạn như khi viết về nước mắm ở Cửa Bé Nha Trang trong tạp bút “Nhớ Cửa Bé Nha Trang”, có đoạn đọc rồi thật khó quên: “Nghề chính của dân Cửa Bé là cá và mắm. Mắm Cửa Bé ngon có tiếng ở Khánh Hòa. Mùi mắm là mùi đầu tiên đánh thức khứu giác cho khách biết đã đến Cửa Bé. Ngày xưa cá nhiều. Cả túi cá theo dòng hải lưu đi từ Phú Quốc đến Thanh Hóa, mùa gió Đông Bắc, cá tấp vô vịnh. Khu vực này biển ấm nhờ có Hòn Tre che khuất, cá vô ở cả tuần, cả tháng. Trời động vẫn có cá. Biển Nha Trang là vùng cát, con cá làm mắm mùi thơm ngót và thanh… Hay một đoạn trích từ tạp bút “Cà tím nhớ thương”: “Chỉ là món cà tím nướng trộn mỡ hành. Cái sự thèm cứa vào nỗi nhớ nhà khi tôi nhớ đến những sớm mai ở chợ Xóm Mới, Nha Trang, nơi đó có một hàng rau củ quả, đặc biệt có bán cà tím nướng thơm lừng một góc chợ...”.
Tạp bút của Đào Thị Thanh Tuyền dường như được viết bằng cả tấm lòng, vì thế chẳng có tác phẩm nào, đoạn văn nào gò bó, gượng ép. Ruổi rong theo nỗi nhớ của chị, có khá điều thú vị khó quên.
Hoàng Anh