Sân khấu về đề tài truyền thống: Biến sở trường thành động lực phát triển

Chiếm số lượng áp đảo về kịch mục, được coi là sở trường của rất nhiều nhà hát ở Hà Nội với nhiều giải thưởng cao nhưng các tác phẩm về đề tài truyền thống vẫn đang loay hoay tiếp cận khán giả.

Bài toán đặt ra với các nhà hát lúc này là làm thế nào để biến sở trường thành động lực phát triển đơn vị, từng bước đóng góp cho công nghiệp văn hóa?

Cảnh trong vở cải lương “Kiều” do Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa phục dựng.

Cảnh trong vở cải lương “Kiều” do Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa phục dựng.

Đúng sở trường nhưng vẫn loay hoay

Lâu nay, tác phẩm về đề tài truyền thống luôn chiếm số lượng áp đảo trên sân khấu kịch hát Thủ đô. Sau khi phục dựng thành công vở “Kiều” và đưa vào biểu diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp tục dàn dựng hai vở mới: "Khúc Tiên Chúa" và "Muôn dặm vì chồng".

Sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đang bận rộn với vở diễn dành cho thiếu nhi: "Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm". Nhà hát Kịch Hà Nội cũng rất chú trọng các đề tài truyền thống mà gần đây nhất là các vở: “Trương Chi - Mỵ Nương”, “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường”...

Tác phẩm về đề tài truyền thống được xem là “át chủ bài” để các nhà hát đem đi thi thố. Trong các liên hoan sân khấu nhiều năm qua, tác phẩm về đề tài lịch sử, dân gian luôn chiếm số lượng áp đảo và thường giành được những giải thưởng cao nhất.

Chẳng hạn như tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V - năm 2022, 2 đơn vị của Hà Nội đều giành Huy chương Vàng cho vở về đề tài lịch sử, đó là vở “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên” (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội) và “Trung trinh liệt nữ” (Nhà hát Chèo Hà Nội)...

Ngay tại Liên hoan Các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023, diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, trong 106 trích đoạn tham dự có tới 85 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống, đề tài truyền thống.

Tuy là sở trường nhưng dùng sở trường ấy thế nào cho hiệu quả lại là điều khiến các nhà hát loay hoay. Các nhà hát liên tục nghĩ cách làm mới tác phẩm. Ngoài việc đưa vào đề tài truyền thống cách xử lý hiện đại, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, các nhà hát còn thường xuyên đổi mới thủ pháp để gây ấn tượng nghe nhìn. Đó có thể là việc áp dụng sân khấu quay mà Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội từng thử nghiệm, hay cách chuyển cảnh bằng những thước phim của Nhà hát Cải lương Hà Nội... Tuy nỗ lực và có nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao ở sự đổi mới táo bạo, song điều đáng bàn là sân khấu vẫn thưa vắng khán giả.

Bứt phá từ truyền thống

Trong cuộc hội thảo “Sân khấu Thủ đô với tính truyền thống và hiện đại” vừa được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đánh giá: “Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa nghệ thuật, cũng là nơi quy tụ những loại hình sân khấu truyền thống hay còn gọi là kịch hát dân tộc nổi bật, mang những nét đặc trưng, góp phần hình thành nên giá trị văn hóa ngàn năm của đất kinh kỳ. Ôm chứa trong mình một giá trị văn hóa, tinh thần đặc sắc, sân khấu nghệ thuật truyền thống góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Bởi vậy, kịch hát dân tộc nói chung và của Hà Nội nói riêng là món ăn tinh thần, là hơi thở cuộc sống của người dân qua rất nhiều thế hệ”. Vậy, làm thế nào để nâng cao hiệu quả của sân khấu truyền thống, biến sở trường thành nguồn lực của công nghiệp văn hóa chứ không phải chỉ để thi thố?

Theo NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, các tác phẩm nghệ thuật mang tính truyền thống cũng là một lăng kính, một cây cầu kết nối giúp bạn bè thế giới hiểu hơn về Thủ đô Hà Nội, về đất nước Việt Nam. Trước kia, chúng ta bị hạn chế trong việc tiếp cận khán giả quốc tế ở một số loại hình nghệ thuật truyền thống như múa rối, xiếc, tuồng... thì ngày nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ như màn hình LED, tai nghe..., chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận và quảng bá đa dạng các loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Thủ đô tới bạn bè thế giới.

“Chính những tác phẩm mang tính văn học - lịch sử của Thủ đô, của Việt Nam mới là nét đặc biệt thu hút khán giả quốc tế. Đó là nguồn khán giả mà các đơn vị nghệ thuật cần hướng tới và khai thác nhiều hơn nữa. Việc kết hợp và hỗ trợ giữa các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô và các đơn vị chủ quản trong lĩnh vực du lịch của Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác cần khăng khít hơn, chặt chẽ hơn để có được hiệu quả tốt nhất, đưa các tác phẩm nghệ thuật mang tính truyền thống của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè năm châu” - NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến nói trên, đạo diễn Đường Minh Giang khẳng định: Nhiều nước trên thế giới có nền kinh tế phát triển vẫn chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị của sân khấu truyền thống. Mỗi khi có nguyên thủ cấp quốc gia đến thăm đất nước họ thì chính phủ lại mang sân khấu truyền thống ra để tiếp đón.

Hà Nội đang hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, thành phố nghệ thuật. Vì vậy, hy vọng rằng các nghệ sĩ sẽ có thêm những ý tưởng, tạo nên sự bứt phá mới từ nguồn vốn văn hóa mà cha ông trao truyền chứ không chỉ là bảo tồn cất kho hay mang ra thi thố.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/san-khau-ve-de-tai-truyen-thong-bien-so-truong-thanh-dong-luc-phat-trien-638667.html