SARS-CoV và nCoV - chủng virus nào nguy hiểm hơn?

Số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong do chủng mới của virus corona (nCoV) không ngừng tăng lên khiến nhiều người liên tưởng đến đại dịch chết chóc SARS gần 2 thập kỷ trước.

Năm 2003, đại dịch SARS bùng phát tại miền Nam Trung Quốc khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh là 774 người thiệt mạng. Dù virus corona (2019-nCoV) và dịch SARS đều bắt nguồn từ virus corona, hai chủng này lại không hoàn toàn giống nhau.

2019-nCoV có nguy hiểm hơn SARS-CoV?

Ca bệnh đầu tiên nhiễm chủng mới virus corona ở Vũ Hán. Đây là một thành phố ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc với quy mô dân số lên tới 11 triệu người. Trong khi đó, SARS bùng phát đầu tiên ở Quảng Đông, một tỉnh phía Đông Nam Trung Quốc.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, SARS-CoV có đường kính từ 60-130 nm, bề mặt của virus có các gai glycoprotein giống hình vương miện.

Chúng có thể sống ở bên ngoài cơ thể trong nhiều giờ, tồn tại trong phân và nước tiểu ở nhiệt độ phòng trong tối thiểu 1-2 ngày, thậm chí tới 4 ngày. Ở 0 độ C, virus này có thể tồn tại tới 3 tuần.

Đây là một loài coronavius mới, riêng biệt so với 3 nhóm coronavirus đã biết. Một số chuyên gia về virus học cho rằng SARS-CoV là một biến chủng của coronavirus động vật và có độc lực rất cao (tức là khả năng gây bệnh rất lớn).

Trong khi đó, 2019-nCoV xuất phát từ TP Vũ Hán - miền Trung Trung Quốc. 2019-nCoV cũng chính là chủng coronavirus gây ra các bệnh đường hô hấp như dịch SARS hay Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012. Tuy nhiên, đây là biến chủng mới nên chưa rõ chúng xuất hiện từ đầu.

Theo CNN, các nhà khoa học tin rằng SARS đến từ dơi sau đó lây sang cầy hương - loài động vật được coi là một món ngon ở các vùng phía Nam Trung Quốc, sau đó là con người. Theo các chuyên gia, 2019-nCoV (virus corona ở Vũ Hán) cũng có thể bắt nguồn từ khu chợ hải sản Huanan và có thể lây sang người từ rắn, hoặc từ dơi.

 Một quảng cáo chống SARS ở Thượng Hải vào tháng 12/2003. Ảnh: AP.

Một quảng cáo chống SARS ở Thượng Hải vào tháng 12/2003. Ảnh: AP.

Tốc độ lây lan

Tính từ lần công bố ca nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán trong tháng 12, tổng số ca nhiễm tới lúc này là hơn 14.000 người, hơn 300 người thiệt mang, tất cả đều ở đại lục. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 31/1 đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Trong khi đối với SARS, từ tháng 11/2002 cho tới tháng 7/2003, SARS lây lan sang 37 quốc gia/vùng lãnh thổ khiến 8.098 người nhiễm bệnh, 774 người tử vong, chủ yếu ở đại lục Trung Hoa và Hong Kong.

Như vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng, số lượng người nhiễm bệnh nCoV đã vượt SARS-CoV.

Dù số ca nhiễm bệnh tăng cao, tỷ lệ nguy kịch dẫn đến tử vong do virus corona ở khoảng hơn 2%, nhỏ hơn khá nhiều so với 9,6% đối với SARS, đồng thời cũng nhỏ hơn tỷ lệ 35% của dịch MERS (cũng gây ra bởi một loại khác của virus corona) ở Trung Đông.

Dù vậy, CNN cho rằng những tính toán này chỉ dựa trên những số lượng đã được báo cáo.

Triệu chứng bệnh

Các chuyên gia gọi SARS là "đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21" bởi nó đã lan rộng ra tới 29 quốc gia. Trước tháng 7 năm 2003, chưa từng có một dịch bệnh nào tương tự nó xảy ra trên người và gây các chết kinh hoàng như SARS. Bệnh nhân nhiễm SARS cũng có các triệu chứng bao gồm sốt, đau đầu và sau đó là một bệnh viêm phổi gây suy hô hấp có thể giết chết họ.

 2019-nCoV là biến chủng của virus corona, diễn biến phức tạp và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ảnh: CNN.

2019-nCoV là biến chủng của virus corona, diễn biến phức tạp và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ảnh: CNN.

Tương tự SARS, người nhiễm 2019-nCoV cũng có dấu hiệu sốt cao trên 38 độ C, ho, khó thở, đau đầu, hụt hơi… Báo Guardian cho biết trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn suy yếu nội tạng. Nghiên cứu mới nhất cho thấy thời gian ủ bệnh của chủng mới này là 5,2 ngày. Thuốc kháng sinh không có tác dụng, các loại thuốc chống virus dùng cho bệnh cúm thông thường cũng không hiệu quả.

Tốc độ lây lan ở Việt Nam

Ở Việt Nam, dịch SARS đã khiến 44 y tá, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã chết. Ngoài ra, 2 người liên quan cũng tử vong là bệnh nhân Johnny Cheng - người đầu người nhiễm SARS tại Việt Nam và bác sĩ Carlo Ubani. Bệnh viện Việt Pháp phải khử trùng, đóng cửa gần nửa năm.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, trường hợp tử vong của SARS tùy thuộc vào tuổi bệnh nhân. Đối với người dưới 25 tuổi, tỷ lệ tử vong ít hơn 1%, 25-44 tuổi tỷ lệ tăng lên thành 6%, 45-64 tuổi là 15% và hơn 65 tuổi là 50% hoặc hơn nữa.

Đối với nCoV, sau thông báo chính thức của Trung Quốc về ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều biện pháp nhầm ngăn chặn việc lây lan virus vào cửa khẩu.

Tuy nhiên, ngày 23/1, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM xác nhận hai trường hợp đầu tiên dương tính với nCoV tại Việt Nam là hai cha con người Trung Quốc. Ngày 30/1, Bộ Y tế tiếp tục công bố danh tính 3 bệnh nhân tiếp theo cũng dương tính với nCoV, trong đó có 1 trường hợp điều trị ở Thanh Hóa và 2 người điều trị ở Hà Nội. Hiện, Việt Nam có 5 trường hợp nhiễm bệnh và nhiều trường hợp khác đang được cách ly, theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm, chưa có trường hợp tử vong. Đối với hai trường hợp điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, một người đã khỏi bệnh, một người có kết quả âm tính lần 1 với nCoV và đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2.

WHO hướng dẫn cách rửa tay phòng ngừa dịch bệnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rửa tay sạch sẽ là cách phòng chống hiệu quả để giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong thời điểm dịch virus corona đang hoành hành.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sars-cov-va-ncov-chung-virus-nao-nguy-hiem-hon-post1041440.html