SSI Research kỳ vọng VIB được nới hạn mức tín dụng nửa cuối 2022
Theo SSI, lĩnh vực bán lẻ đặc biệt là cho vay mua nhà giúp tổng dư nợ tín dụng tại nhà băng tăng cao khi thu về 100.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Các chuyên gia cũng kỳ vọng, NHNN sẽ nới room tín dụng cho VIB cuối năm nay.
Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho VIB trong nửa cuối năm 2022.
Lĩnh vực bán lẻ là đầu tàu cho tăng trưởng tín dụng
Tính đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 224.000 tỷ đồng (tăng 9,7% so với đầu năm), trong đó cho vay mua nhà vẫn là động lực tăng trưởng chính của nhà băng khi tăng 18% so với đầu năm và đạt 100.000 tỷ đồng.
Đến quý II/2022, lãi suất cho vay mua nhà tăng hơn 1% so với đầu năm do tăng trưởng tín dụng bị hạn chế. Tuy nhiên, SSI tin rằng nhu cầu vay mua nhà để ở vẫn ổn định trong nửa cuối năm 2022 mặc dù giá nhà và lãi suất vay đều tăng.
Mặt khác, với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu vốn lưu động của các hộ kinh doanh đang dần tăng cao, vì vậy VIB có thể mạnh dạn chuyển dần từ cho vay mua ô tô sang cho vay sản xuất kinh doanh.
Theo đó, tại quý II/2022, dư nợ cho vay mua ô tô giảm 2,2% so với đầu năm hoặc giảm 10,2% so với cùng kỳ xuống 44.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay hộ gia đình (cho vay sản xuất kinh doanh) tăng 24,2% so với đầu năm lên hơn 32.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, VIB là một trong số ít ngân hàng mà dư nợ cho vay trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp, đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, tương đương với 1% tổng dư nợ tín dụng tại quý II/2022.
Về mảng bảo hiểm, doanh thu từ bancassurance tăng trưởng khiêm tốn trong quý II/2022 (tăng 3,4% so với cùng kỳ, đạt 352 tỷ đồng). Tuy nhiên, VIB hiện đang đàm phán tái ký hợp đồng bancassurance mới với Prudential, qua đó các chuyên gia cũng kỳ vọng Ngân hàng sẽ ghi nhận thêm một khoản phí trả trước trong nửa cuối năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, VIB đã đẩy mạnh dịch vụ thanh toán liên quan đến thư tín dụng UPAS (UPAS LCs). Cụ thể, ngân hàng đã ghi nhận số dư UPAS L/C tăng mạnh 41,5% so với đầu năm, đây là yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng 57% so với cùng kỳ của thu nhập từ phí dịch vụ thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trên thực tế, có nhiều loại phí LC khác nhau, trong đó lớn nhất là phí bảo lãnh thanh toán với lãi suất ở mức 5,5~6,0% hàng năm. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng như hiện nay, SSI cho rằng ngân hàng sẽ dần chuyển sang UPAS LC để tăng tổng tài sản và cải thiện doanh thu.
Mặt khác, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư đem lại kết quả không như kỳ vọng đã ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, VIB lỗ hơn 168 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và lỗ 13 tỷ đồng (giảm 113% so với cùng kỳ) do bán trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2022.
Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022
Theo phân tích của SSI, trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế tại VIB sẽ đạt 10.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ước tính tăng trưởng huy động khách hàng của nhà băng sẽ đạt 15% do SSI cho rằng VIB có thể huy động nguồn vốn trung và dài hạn, thông qua vay nước ngoài giúp giảm áp lực huy động tiền gửi có kỳ hạn.
Cùng cập nhật về VIB, Chứng khoán VNDirect cho rằng, việc ngân hàng tập trung mạnh vào các sản phẩm cho vay khách hàng cá nhân, đặc biệt là các khoản vay thế chấp và mua ô tô, sẽ giúp ngân hàng khai thác được nhu cầu cho vay bán lẻ đang gia tăng trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, VIB sẽ khó có thể tiến hành các hoạt động cho vay mạnh mẽ, đặc biệt là trong nửa cuối năm nay, do tăng trưởng tín dụng bị thắt chặt dưới áp lực lạm phát. Do đó, VNDirect kỳ vọng VIB sẽ giảm tăng trưởng cho vay trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2022 để đạt mức 18%/20% cho giai đoạn 2022-2023 (dự báo trước đây là 25%/23%).
Theo đó, VNDirect ước tính lợi nhuận trước thuế của VIB sẽ tăng trưởng 5,5% và 5,4% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022-2023, lần lượt đạt 9.700 tỷ đồng và 11.400 tỷ đồng.