Tấm gương người phụ nữ khiếm thị

Vượt qua mặc cảm, tự ti, chị Nguyễn Thị Huyền đã nỗ lực vươn lên, có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, chăm lo kịp thời những người yếu thế.

Với thị lực 1/10, chị Huyền (đứng) vẫn tận tình hướng dẫn hội viên lao động, sản xuất để có thu nhập. Ảnh tư liệu

Với thị lực 1/10, chị Huyền (đứng) vẫn tận tình hướng dẫn hội viên lao động, sản xuất để có thu nhập. Ảnh tư liệu

Sinh ra với đôi mắt không được lành lặn như bao người nhưng chị Nguyễn Thị Huyền, 35 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thanh Hà đã nỗ lực vươn lên và giúp nhiều người yếu thế như chị có việc làm, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Gia đình chị ở thôn Ngoại Đàm, xã An Phượng, có 4 thế hệ bị mù di truyền do bệnh đục thủy tinh thể. Từ nhỏ chị Huyền đã có tâm lý mặc cảm, tự ti về bản thân. Năm 2000, khi Hội Người mù huyện Thanh Hà thành lập, được sự động viên của gia đình, chị tham gia vào hội. Đây chính là bước ngoặt lớn giúp chị tự tin hòa nhập cộng đồng, vượt qua bóng tối. Khi vào hội, chị được cử đi học lớp xóa mù chữ do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Năm 2004, chị chuyển về học hòa nhập tại Trường Tiểu học thị trấn, rồi học hết THCS, THPT ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Hà.

Dù học chữ nổi khó khăn nhưng với sự nỗ lực của bản thân, chị luôn đạt thành tích tốt trong học tập, được bạn bè, thầy cô tin yêu. Năm 2014, chị được hội giới thiệu đi học lớp y sĩ y học cổ truyền của Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh (Hà Nội). Trong thời gian này, chị vừa học vừa làm, đồng thời hướng dẫn người mù trong hội các kỹ thuật tẩm quất, bấm huyệt. Nhờ sự cố gắng vươn lên của bản thân, được cán bộ, hội viên tin tưởng, năm2018, chị được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện, phụ trách công tác lao động sản xuất, chăm lo đời sống hội viên, Trưởng Ban công tác phụ nữ, trẻ em mù của hội.

Ở cương vị mới, chị Huyền đã cùng cán bộ hội luôn chú ý khảo sát thực tế đời sống của từng hội viên, từ đó đề xuất với chính quyền địa phương và tổ chức hội có biện pháp giúp đỡ, chăm lo kịp thời. Những người mù có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ làm nhà, sửa nhà... Người mù nào còn khả năng lao động được chị đào tạo học nghề tẩm quất, bấm huyệt và làm tăm tre. Hiện tổ sản xuất tăm tre, mát xa bấm huyệt thu hút 23 lao động và luôn có việc làm thường xuyên. Nhờ sự quan tâm, chỉ dạy tâm huyết của chị Huyền và cán bộ hội, thu nhập của tổ tăm từ 2,4 triệu đồng/người/tháng (năm 2015) đã tăng lên 3 triệu đồng/người/tháng (năm 2020); tổ dịch vụ bấm huyệt tăng từ 3,5 triệu đồng/người/tháng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Để giúp hội viên có vốn sản xuất, giai đoạn 2015-2020, chị đã cùng Ban Chấp hành hội khảo sát, giải ngân 5 dự án nhóm hộ với tổng số tiền trên 660 triệu đồng cho 46 lượt người mù vay. 100% số hội viên vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, đạt mục tiêu, hiệu quả. Nhờ đó, đời sống kinh tế của người mù được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong hội giảm từ 26,3% năm 2015 xuống còn 15,6% năm 2020.

Là người trực tiếp chăm lo đời sống hội viên, ngoài vốn vay ưu đãi, chị đã tham mưu Ban Chấp hành hội mua sắm các trang thiết bị phục vụ đời sống cho người mù, đặc biệt là tổ dịch vụ sản xuất tăm tre và tẩm quất, bấm huyệt.

Năm 2020, chị Nguyễn Thị Huyền vinh dự được Trung ương Hội Người mù tặng bằng khen.

HOÀNG MẾN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/tam-guong-nguoi-phu-nu-khiem-thi-166843