Tăng cường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Hiện nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhập viện tăng cao. Ngành y tế đang tập trung dập dịch và chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế... để đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân.

Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh đang thu dung và điều trị 35 bệnh nhân nhi bị SXH, trong đó có nhiều ca nặng. Khi nhập viện, bệnh nhân nhi nặng có biểu hiện như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, tiểu ít, tụt huyết áp, chảy máu chân răng, nôn ói. Một số trẻ bị xuất huyết dưới da, hoặc các mảng bầm tím nằm rải rác trên cơ thể. Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch - Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BVSN tỉnh) cho biết, bệnh SXH rất nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Khoa đã tăng cường theo dõi, giám sát, điều trị, tư vấn cho người nhà phối hợp với y, bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nhẹ thì 2 - 3 giờ đo mạch nhiệt, đo dấu hiệu sinh tồn một lần, còn với bệnh nhân nặng thì mỗi giờ một lần.

Nhân viên y tế Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chăm sóc cho bệnh nhân nhi.

Nhân viên y tế Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chăm sóc cho bệnh nhân nhi.

“Chưa có năm nào bệnh viện nhận số ca SXH tăng cao như năm nay. Xác định đây là bệnh nguy hiểm nên bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực và liên kết với các ngân hàng máu sống để điều trị kịp thời cho bệnh nhân”, Giám đốc BVSN tỉnh Nguyễn Đình Tuyến chia sẻ.

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hiện có gần 100 bệnh nhân SXH. Bình quân mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 7 - 9 ca bệnh. Trong đó có nhiều ca nhập viện trong tình trạng nguy hiểm. Bác sĩ Lương Văn Tuấn - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BVĐK tỉnh) cho hay, đa phần bệnh nhân SXH nhập viện đều là bị nặng, biểu hiện chính là giảm tiểu cầu, đã qua từ 3 - 7 ngày kể từ khi bị sốt. Giai đoạn này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể xuất hiện các biến chứng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn xuất hiện chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Vì vậy, khi tiếp nhận bệnh nhân nặng, khoa đã nhanh chóng liên hệ với Khoa Huyết học - Truyền máu để truyền tiểu cầu cho bệnh nhân và điều trị theo phác đồ.

Để chuẩn bị cho tình huống bệnh nhân SXH tiếp tục tăng, Khoa Bệnh nhiệt đới đã kê thêm giường bệnh (từ 54 lên 80 giường); huy động các y, bác sĩ ở các khoa liên quan hỗ trợ. Đồng thời, liên hệ với các câu lạc bộ ngân hàng máu sống, thành lập ngân hàng máu sống ngay tại bệnh viện để hỗ trợ truyền máu, tiểu cầu cho bệnh nhân kịp thời.

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều xuất hiện ca bệnh SXH. Có những bệnh nhân chuyển đến BVĐK tỉnh từ các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Sơn Tây, Lý Sơn... đã có biểu hiện nặng. Hiện tại, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế chủ động các điều kiện cần thiết như kê thêm giường nằm, thuốc điều trị và các thiết bị hỗ trợ hồi sức cấp cứu để thu dung, điều trị các bệnh nhân SXH tránh nguy cơ tử vong.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, trong thời điểm dịch SXH bùng phát, khi phát hiện các dấu hiệu sốt bất thường, người nhà cần dùng các phương pháp lau mát bằng nước ấm, chườm ấm cho bệnh nhân để hạ nhiệt. Sau đó dùng các thuốc hạ nhiệt như Paracetamol đơn chất theo y lệnh. Người bệnh không được tự ý truyền dịch tại nhà, vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, không tự ý dùng thuốc Paracetamol quá liều, không nên ăn những thức ăn có màu đỏ và màu đen, cần ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu, uống đủ nước, sinh tố và muối khoáng. Người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế đi lại. Với những bệnh nhân là phụ nữ mang thai, trẻ dưới một tuổi, người béo phì, người cao tuổi, người bệnh mãn tính... khi mắc bệnh SXH cần nhập viện để được sự hỗ trợ của y tế.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202211/tang-cuong-dieu-tri-benh-nhan-sot-xuat-huyet-3142296/