Thanh toán điện tử sẽ khó đột biến nếu thiếu chính sách đột phá

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng.

Thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam được nhìn nhận có xu hướng giống thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Chúng ta sẽ nhìn lại thông tin từ Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam. Theo đó, số liệu từ Báo cáo thường niên Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam 2018 cho biết, mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán POS truyền thống giảm 8% so với năm 2017. Điều này cho thấy, các ngân hàng và đơn vị thanh toán không còn tập trung phát triển các kênh thanh toán truyền thống, mà hướng sang các kênh thanh toán mới như mPOS, QR Code và eCom.

Ông Nguyễn Hòa Bình

Ông Nguyễn Hòa Bình

Thông tin từ Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cũng cho thấy, năm 2018 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hình thức thanh toán mới qua thiết bị mPOS, với 27.500 điểm chấp nhận thanh toán mPOS, tăng 99% so với năm 2017, chiếm 9% trong mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ toàn quốc. Năm 2018 cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hình thức thanh toán mPOS, với 7 ngân hàng triển khai mPOS ra thị trường, trong đó có các ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, Vietcombank...

Đồng thời, năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ về số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán QR Code, với gần 58.000 điểm thanh toán, tăng 600% so với năm 2017. Bên cạnh đó, thanh toán trực tuyến (online eCom) trong năm 2018 đạt đến hơn 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, tổng giao dịch thanh toán qua hình thức QR Code chỉ là 70 tỷ đồng, tức mỗi điểm chấp nhận thanh toán QR Code chỉ đạt 1,2 triệu đồng, tính ra chưa đến 100.000 đồng mỗi tháng. Như vậy, QR Code đã phát triển rất nhanh vì không cần thiết bị, nhưng có vẻ chất lượng các điểm giao dịch thanh toán rất yếu nên giá trị thanh toán yếu. Khách hàng chưa mặn mà với hình thức thanh toán mới này.

Thanh toán thẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và là kênh phổ biến nhất. Thói quen sử dụng thẻ trong thanh toán điện tử nói chung của cả ngành đang tăng trưởng tốt, đặc biệt là giới trẻ, nhưng trong đó thẻ vật lý vẫn chiếm đa số. Trong thanh toán thẻ, thẻ quốc tế đang chiếm thế thượng phong. Điều này thể hiện ở việc thẻ quốc tế chỉ chiếm 13% tổng số thẻ đã phát hành trên thị trường với hơn 11 triệu thẻ, nhưng doanh số thanh toán chiếm đến 52% tổng thanh toán. Người tiêu dùng thanh toán quốc tế nhiều, thẻ nội địa không được sử dụng cho việc thanh toán.

Thực tế này cho thấy, thị trường thanh toán điện tử Việt Nam chưa chắc đi theo xu hướng của thị trường Trung Quốc là ví điện tử chiếm thế thượng phong. Quan điểm của tôi là các hình thức thanh toán truyền thống vẫn sẽ chiếm ưu thế ở Việt Nam. Ví điện tử đang được các doanh nghiệp đầu tư mạnh trên thị trường này với nhiều chương trình khuyến mại, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Theo ông, tại sao ví điện tử chưa phát triển mạnh tại Việt Nam?

Tôi cho rằng, một phần do nhà đầu tư “rót” tiền vào quảng bá hình ảnh, cổ vũ, cổ động cho loại hình thanh toán mới với kỳ vọng lặp lại thành công như ở Trung Quốc. Nhưng xét về tính tiện ích, tiện lợi thực sự, hay nhìn ở góc độ hành vi của khách hàng, nói về độ tiện lợi thì khách hàng sẽ hoặc là rút tiền mặt, hoặc cà thẻ nhanh hơn. Còn đối với ví điện tử sẽ mất thời gian hơn đôi chút vì phải thực hiện một số bước như lấy điện thoại, mở máy, mở ứng dụng, quét mật khẩu…, nên ở mức độ tự nhiên của hành động chưa thực sự đem lại sự thuận lợi.

Trong khi đó, đằng sau ví điện tử bản chất vẫn là một cái thẻ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ví điện tử phải được bảo chứng, liên kết với một tài khoản, thẻ ngân hàng, nghĩa là phải có một lớp nữa chồng lên. Tiện thì chưa hẳn, lợi cũng chưa nhiều và quan trọng là người tiêu dùng có tâm lý tranh thủ tận dụng khuyến mại, chứ không thực sự sử dụng bởi mức độ tiện dụng của hành vi thanh toán.

Đối với QR Code của Mobile Banking, khá tiện với đơn vị chấp nhận thẻ (merchant) vì không cần có thiết bị, nhưng người tiêu dùng vẫn phải trải qua các thao tác như mở ứng dụng (app) Mobile Banking, nhập mật khẩu, một số ngân hàng còn phải nhập mật khẩu sử dụng một lần (OTP), nên rõ ràng chưa tiện bằng việc rút thẻ.

Ở Việt Nam hiện nay, người dân vẫn chuộng "tiền tươi, thóc thật" hơn, đó là chưa tính đến việc cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ đến mức "ra đường chỉ cần có mỗi điện thoại di động". Mặt khác, người tiêu dùng thanh toán thẻ tín dụng còn được chậm nợ, chậm thanh toán, trả góp..., giúp chủ động về thời gian và nguồn tiền để trả nợ.

Với những sự tiện lợi nêu trên, việc giao dịch trên thẻ chiếm ưu thế hơn so với các hình thức giao dịch khác là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh thêm một điều, chúng ta vẫn khó thống kê được các giao dịch tiền mặt bởi đó là nền kinh tế "ngầm", nhưng với đà tăng trưởng thanh toán thẻ cao 2 con số mỗi năm trong những năm gần đây, giao dịch tiền mặt đang dần được thay thế.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ hơn, theo ông, cần những hình thức nào?

Tôi cho rằng, hình thức nào cũng ổn, miễn sao thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng là được. Còn bản thân các hình thức trong đó như thanh toán thẻ vật lý, ví điện tử, mobile QR Code… đều phải cạnh tranh với nhau để chiếm thị phần, điều này sẽ hỗ trợ việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhìn chung, tuy thanh toán điện tử đang tăng trưởng khá, nhưng để có thể bùng nổ, vẫn cần có sự đầu tư hơn nữa từ phía doanh nghiệp, các thành viên của hệ sinh thái. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ để bắt buộc một số hoạt động chuyển sang thanh toán điện tử như thu phí giao thông, thu tiền phạt vi phạm giao thông... không dùng tiền mặt trên cơ sở gắn chip, từ đó giải quyết nút thắt về tính minh bạch khi thanh toán.

Chúng ta đã nói nhiều, điều quan trọng hiện tại là phải hành động để thúc đẩy xã hội, kích cầu. Song song với đó, cần các chính sách thực tế, quyết liệt hơn từ phía các cơ quản lý nhà nước. Một câu chuyện điển hình mà Việt Nam có thể tham khảo ở Ấn Độ, đó là năm 2016, quốc gia này đã khiến cả thế giới chấn động khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố rút khỏi hệ thống tài chính nước này 2 loại tiền giấy mệnh giá 500 rupee (7,5 USD) và 1.000 rupee (15 USD) nhằm chống trốn thuế và tham nhũng. Hệ quả là thanh toán điện tử đã tăng vọt.

Cụ thể, trước đây, các tài xế xe lam vốn đã quen với việc hành khách chi trả bằng tiền mặt, thì nay, với việc Chính phủ Ấn Độ thu hồi khoảng 80% số tiền đang lưu thông trên thị trường để đổi tiền mới, đã ảnh hưởng tới công việc của các tài xế này. Khi tiền mặt khan hiếm, để giữ khách hàng, các tài xế xe lam đã chuyển sang sử dụng ví điện tử online, theo đó, khách hàng trả tiền nhanh chóng qua ứng dụng ví điện tử PayTM.

Tôi cho rằng, Việt Nam cũng có thể áp dụng chính sách này theo hướng, những giao dịch trên 5 triệu đồng phải thanh toán điện tử. Sẽ không thể phát minh được bóng điện nếu sử dụng tư duy của chiếc đèn dầu. Theo đó, thanh toán điện tử sẽ khó có đột biến nếu thiếu chính sách đột phá.

Theo Nhuệ Mẫn thực hiện.Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/fin-tech/thanh-toan-dien-tu-se-kho-dot-bien-neu-thieu-chinh-sach-dot-pha-269689.html