Thấy gì từ trào lưu cà phê thịt heo độc lạ
Cà phê kết hợp nước sốt thịt heo hoặc pha với rượu bạch tửu xuất hiện trên menu khi các hãng cà phê cạnh tranh gay gắt tại thị trường Trung Quốc đang phát triển mạnh.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc chuyển sang uống cà phê, thay cho tách trà truyền thống, theo NBC News.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ vào năm ngoái để trở thành quốc gia có nhiều cửa hàng cà phê thương hiệu nhất thế giới, theo báo cáo của World Coffee Portal. Số lượng cửa hàng cà phê thương hiệu ở Trung Quốc tăng 58% vào năm 2023 lên gần 50.000, so với khoảng 40.000 ở Mỹ.
Thay đổi phong cách sống
Thị trường cà phê ở quốc gia tỷ dân từng bị chi phối bởi các thương hiệu nước ngoài như Starbucks của Mỹ, Tim Hortons của Canada và Costa Coffee của Anh. Nhưng các thương hiệu này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các chuỗi cà phê Trung Quốc như Luckin, Cotti và Manner, cũng như các quán cà phê địa phương ở các thành phố lớn như Bắc Kinh.
Đối với các “tín đồ” cà phê, điều đó đồng nghĩa với nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết, cho dù đó là Americano đơn giản hay cà phê pha với hương vị thịt heo hay rượu bạch tửu Trung Quốc.
Mặc dù trà vẫn là nền tảng của văn hóa Trung Quốc nhưng một số người tiêu dùng trẻ tuổi, thuộc tầng lớp trung lưu đang nhận thấy caffeine trong cà phê phù hợp hơn với áp lực của thị trường việc làm cạnh tranh.
Li Yizhe, 26 tuổi, cho biết trong hai năm qua, cô bắt đầu uống cà phê mỗi ngày như một cách để tăng cường năng lượng.
“Tôi từng uống trà sữa, nhưng giờ chuyển sang uống cà phê”, Li, một viên chức chính phủ, nói khi đang ngồi tại một quán cà phê trong hẻm ở Bắc Kinh.
Zhang Jian, một freelancer 33 tuổi, cho biết anh thường xuyên uống khoảng một tách cà phê mỗi ngày ở Luckin.
Anh chia sẻ: “Mua cà phê rất thuận tiện vì các cửa hàng có ở khắp mọi nơi và giá cả cũng phù hợp với túi tiền”.
Zhang cho rằng áp lực công việc cao và thời gian làm việc kéo dài mà người lao động phải đối mặt là lý do khiến cà phê ngày càng trở nên phổ biến, cũng như tính chất gây nghiện của caffeine.
“Khi các đồng nghiệp bắt đầu hình thành thói quen, dần dần hình thành văn hóa cà phê”, anh nói thêm.
Thị trường phát triển mạnh
Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá nhu cầu cà phê của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 5 triệu bao trong niên vụ 2023-24, khiến nước này trở thành nước tiêu dùng lớn thứ 7 trên thế giới. Hai quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất là Mỹ và Brazil hiện ở mức hơn 20 triệu bao.
Nirmit Limbachia, người đứng đầu dự án thực phẩm và đồ uống tại Mordor Intelligence - một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Ấn Độ - nói rằng sự gia tăng tiêu thụ cà phê kiểu phương Tây ở Trung Quốc có thể do sự thay đổi trong sở thích về lối sống khi ngày càng có nhiều người có thu nhập khả dụng hơn. Ông cho rằng đô thị hóa, toàn cầu hóa và sự mở rộng nhanh chóng của các quán cà phê trong và ngoài nước cũng khiến văn hóa cà phê quốc tế “dễ tiếp cận và quen thuộc hơn”.
Năm ngoái, Luckin đã vượt qua Starbucks để trở thành chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc - thị trường lớn nhất của Starbucks - sau khi Luckin mở hơn 5.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2023 trong tổng số hơn 13.000 cửa hàng của chuỗi này, theo World Coffee Portal. Starbucks đã mở 785 cửa hàng ở Trung Quốc vào năm ngoái.
Công ty Mỹ cho biết họ đặt mục tiêu có 9.000 cửa hàng ở Trung Quốc vào năm tới.
Sự trỗi dậy của thương hiệu cà phê nội địa
Anh Zhang nói rằng con số cửa hàng của Luckin sau 7 năm thành lập ở Bắc Kinh, thật đáng kinh ngạc. Khi Luckin lần đầu tiên xuất hiện, nhãn hàng này tuyên bố là loại cà phê dành cho người Trung Quốc. Vào thời điểm đó, nhiều người tiêu dùng tỏ ra “nghi ngờ về khả năng tồn tại và duy trì sự ổn định của Luckin”, theo lời anh Zhang.
Sự hoài nghi đó chỉ càng được củng cố vào năm 2020, khi Luckin bị phát hiện đã thổi phồng số liệu bán hàng của năm trước lên hơn 300 triệu USD. Công ty đã thoát khỏi tình trạng phá sản và thay thế các giám đốc điều hành liên quan đến vụ bê bối.
Ông Limbachia cho biết Luckin và các chuỗi nội địa khác đã bắt kịp đối thủ bằng cách “mở rộng sang các thành phố mới, đưa ra mức giá cạnh tranh và tận dụng công nghệ để tạo ra các dịch vụ đặt hàng và giao hàng thuận tiện”.
“Các chuỗi cà phê trong nước thường nhấn mạnh đến tính địa phương hóa trong các sản phẩm, kết hợp các nguyên liệu và hương vị truyền thống của Trung Quốc vào các món trong thực đơn”, ông Limbachia chỉ rõ. “Họ cũng có xu hướng đáp ứng sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc về không gian và dịch vụ”.
Trong tháng này, Luckin đã mở một cửa hàng ở thành phố Thâm Quyến, phía nam Trung Quốc, liên kết thương hiệu với Kweichow Moutai, một thương hiệu cao cấp của rượu baijiu nổi tiếng của Trung Quốc. Cửa hàng này nhằm mục đích tận dụng sự thành công của loại cà phê pha baijiu mà hai công ty đã hợp tác vào năm ngoái, theo ông Limbachia, đã bán được 5,42 triệu ly trong ngày đầu tiên và mang về doanh thu hơn 900 triệu nhân dân tệ (124 triệu USD).
Wang Zichen, 29 tuổi, cựu chủ quán cà phê ở Bắc Kinh, cho biết: “Thêm bạch tửu vào cà phê là một chiêu trò thương mại nhưng đồng thời nó cũng phục vụ thói quen uống rượu của người Trung Quốc”.
Starbucks, đã có mặt ở thị trường Trung Quốc từ năm 1999, cho biết thị trường cà phê nước này vẫn đang phát triển và “chưa được phân cấp đầy đủ”.
Belinda Wong, Chủ tịch kiêm đồng Giám đốc điều hành của Starbucks Trung Quốc, cho hay trong một cuộc gọi vào tháng 1: “Có thể nhận thấy một loạt các đối thủ cạnh tranh trên thị trường tập trung vào mở rộng cửa hàng nhanh chóng và các chiến thuật giá thấp. Điều này sẽ giảm dần theo thời gian”.
Theo đánh giá của ông Limbachia, sự cạnh tranh đã thúc đẩy các chuỗi cửa hàng nước ngoài như Starbucks chú ý hơn đến thị hiếu người Trung Quốc, bao gồm cả việc “điều chỉnh các lựa chọn thực đơn, điều chỉnh thiết kế cửa hàng và hình thành quan hệ đối tác với các doanh nghiệp địa phương”.
Vào dịp Tết Nguyên đán hồi tháng 2, Starbucks đã tung ra ly latte hương thịt heo phiên bản giới hạn tại 25 cửa hàng Reserve với giá 68 nhân dân tệ (9,45 USD). Được trang trí bằng một miếng thịt heo và rưới nước sốt thịt heo lên trên, thức uống này được lấy cảm hứng từ thịt kho Đông Pha, một món ăn truyền thống từ miền Đông Trung Quốc thường thấy trong các dịp sum họp gia đình.
Bà Wong cho biết mặc dù công ty có kế hoạch “tăng cường” những cải tiến sản phẩm như vậy nhưng họ “không quan tâm đến việc tham gia vào cuộc chiến giá cả”.
“Chúng tôi đang tập trung vào việc đạt được sự tăng trưởng bền vững chất lượng cao nhưng có lợi nhuận”, bà nói. “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành số một và dẫn đầu trong thị trường cao cấp”.
Ông Limbachia cho biết cả chuỗi cửa hàng trong và ngoài nước đều có thể kỳ vọng tăng trưởng liên tục, chẳng hạn như thông qua việc mở rộng sang các thành phố nhỏ hơn và khu vực nông thôn, khi tiêu thụ cà phê ngày càng ăn sâu vào văn hóa Trung Quốc.
Wang, từng là chủ quán cà phê, cho biết người lớn tuổi cũng bắt đầu uống cà phê.
Ông nói: “Khi cà phê trở thành đồ uống quốc dâb, nó sẽ đa dạng và toàn diện hơn, sau đó sẽ trở nên phổ biến hơn”.
“Đối với các quán cà phê, lượng khách hàng tăng lên đồng nghĩa với việc toàn bộ ngành đang phát triển tốt hơn”.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-trao-luu-ca-phe-thit-heo-doc-la-post1470862.html