Thấy giáo nhận xét về đề thi Sử: Dễ vô đại học nhưng khó xét tuyển tốt nghiệp
Nhận xét về môn Lịch sử trong phần thi tổ hợp sáng 10/8 của đề thi tốt nghiệp THPT 2020, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến: với đề thi này, những em chọn môn Sử để xét tuyển đại học có thể gọi là dễ. Nhưng nếu bạn nào dùng môn Sử để xét tốt nghiệp là hơi khó khăn, do kiến thức dài, dàn trải.
Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, đề thi có 40 câu hỏi thì có 30 câu về phần lịch sử Việt Nam; 10 câu về phần lịch sử thế giới. Như vậy phân bố mức điểm Việt Nam - thế giới là 7-3 đúng như cấu trúc năm ngoái. Đặc biệt có 39 câu hỏi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, chỉ duy nhất 1 câu hỏi trong chương trình lớp 11, trong khi đó đề thi minh họa có 2 - 4 câu nằm trong chương trình lớp 11. Có 4 câu hỏi vận dụng nhưng ở mức độ thấp nên khả năng phân hóa không cao, và câu hỏi nằm trong phần kiến thức lớp 11 thuộc dạng này.
Điều khó khăn của đề thi môn Sử nội dung kiến thức dàn trải toàn bộ chương trình lớp 12. Do vậy đây là khó khăn cho học sinh học tủ và cũng có thể coi đây là điểm phân hóa của đề thi. Buộc thí sinh muốn điểm cao, phải học toàn bộ chương trình. Với đề thi này, phổ điểm kéo dài ở mức từ 2,5 đến 4. Đỉnh phổ điểm là 5. Điểm 9, 10 sẽ có nhưng ít.
Tuy nhiên, cũng theo ý kiến của thầy Đăng Du, với đề thi này những em chọn môn Sử để xét tuyển đại học có thể gọi là dễ. Học sinh dùng môn Sử để xét tốt nghiệp là hơi khó khăn, do kiến thức dài, dàn trải. “Tôi thấy đề thi này Bộ GD-ĐT chú trọng đến yếu tố giảm tải, phù hợp với hoàn cảnh. Lý do phổ điểm không cao vì nhiều học sinh chọn thi môn Lịch sử để xét tuyển tốt nghiệp chứ không phải xét đại học nên học trong trạng thái ép buộc. Do đó, điểm cao hay thấp không phải do đề thi, phụ thuộc vào mục đích của các em”.