Thế giới đứng trước cuộc khủng hoảng về giáo dục

Trong thời gian qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) liên tục gióng lên những cảnh báo đáng lo ngại về vấn đề nhân lực của ngành giáo dục. Từ thực tế cho thấy, việc thiếu hụt giáo viên có thể khiến nhân loại đối mặt với thách thức mới về việc phổ cập kiến thức, đe dọa tương lai của toàn cầu.

Một cuộc biểu tình của giáo viên Hàn Quốc yêu cầu cải thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên. Ảnh: AP

Một cuộc biểu tình của giáo viên Hàn Quốc yêu cầu cải thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên. Ảnh: AP

Bất khả thi hiện thực hóa mục tiêu

Theo khẳng định của UNESCO, tình trạng thiếu hụt giáo viên đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ “nóng” tại những quốc gia kém phát triển, mà ngay tại những quốc gia giàu có, giáo viên có mức thu nhập cao thì tình trạng thiếu hụt cũng ở mức báo động, nhất là khi làn sóng bỏ nghề diễn ra ngày càng phổ biến.

Nghiên cứu của UNESCO cho thấy, tại khu vực Nam Á, dù số lượng giáo viên đã tăng và tỷ lệ sinh giảm, nhưng vẫn là khu vực thiếu giáo viên lớn thứ hai thế giới. Tại châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, dù có tỷ lệ sinh thấp nhưng có mức thiếu hụt giáo viên cao thứ ba thế giới, với nhu cầu cần thêm 4,8 triệu giáo viên. Trong khi đó, các khu vực Mỹ Latinh và Caribe thiếu 3,2 triệu giáo viên.

Hàn Quốc là một điển hình của các quốc gia phát triển thiếu giáo viên. Theo đó, mức trả lương cho giáo viên tại quốc gia này cao thứ tư thế giới, nhưng tình trạng giáo viên bỏ việc đang ở mức báo động đỏ. Truyền thông quốc tế dẫn các số liệu từ cơ quan hữu quan Hàn Quốc cho hay, có tới hơn 32.000 giáo viên đã xin thôi việc trước tuổi nghỉ hưu trong giai đoạn 2019-2023. Tiếp đó, trong 8 tháng của năm 2024, có hơn 3.300 giáo viên xin nghỉ việc. Không những vậy, số lượng giáo viên nghỉ việc tại Hàn Quốc còn có chiều hướng “trẻ hóa” với sự gia tăng đáng kể số lượng giáo viên có dưới 10 năm kinh nghiệm bỏ nghề.

Trong một báo cáo được công bố gần đây, UNESCO chỉ ra rằng, đến năm 2030, thế giới cần thêm 44 triệu giáo viên để đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và trung học. Tình trạng thiếu hụt giáo viên nổi cộm nhất là tại khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara với nhu cầu cần thêm 15 triệu giáo viên.

Trong khi đó, chỉ còn 6 năm nữa là đến hạn chót để đạt Mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên hợp quốc. Thực trạng hiện nay có thể dễ thấy rằng, việc đảm bảo đủ 15 triệu giáo viên ở châu Phi cận sa mạc Sahara vào năm 2030 là nhiệm vụ bất khả thi, khi số lượng giáo viên hiện chỉ đạt 88% so với mục tiêu ước tính. Cùng với đó, vào năm 2030, khu vực Bắc Phi và Tây Á cần bổ sung 4,3 triệu giáo viên; khu vực Đông Nam Á cần bổ sung 4,5 triệu giáo viên nên 2 khu vực này cũng là những “điểm nóng” về thiếu hụt giáo viên.

Trong cảnh báo mới nhất, UNESCO nhấn mạnh, nếu không có hành động khẩn cấp, thì đến năm 2030, ước tính chỉ khoảng 40% quốc gia trên thế giới có đủ giáo viên để đảm bảo phổ cập giáo dục tiểu học, trong khi con số này đối với giáo dục trung học còn chưa đến 20%.

Nhiều khó khăn, thách thức với nghề giáo

Phân tích về tình trạng thiếu hụt giáo viên đang trên đà nghiêm trọng hơn, các chuyên gia của UNESCO phân tích, những nguyên nhân quan trọng và nổi bật gây ra cuộc khủng hoảng giáo viên gồm: Khoảng cách lớn trong tài trợ giáo dục giữa các châu lục và các nền kinh tế; tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19; sự phát triển liên tục của những tiến bộ công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI); mức lương và phúc lợi ở các ngành nghề khác cao hơn...

Mặt khác, UNESCO cũng nêu bật vấn đề giáo viên ở nhiều nơi trên khắp thế giới phải đối mặt với những mối đe dọa về bạo lực thể chất hoặc tâm lý. UNESCO khẳng định, điều này đang có chiều hướng gia tăng và tác động rất tiêu cực đến nghề giáo, từ đó cản trở các nỗ lực tuyển dụng hoặc “giữ chân” giáo viên.

UNESCO dẫn giải một khảo sát hơn 9.000 giáo viên tại Mỹ trong năm 2020 và 2021 cho thấy, có tới 33% số giáo viên từng là nạn nhân của hành vi lăng mạ hoặc bị đe dọa từ học sinh, 29% số giáo viên phải đối mặt với những hành vi tương tự từ phụ huynh. Ngoài ra, trong xu thế chung, “già hóa” đội ngũ giáo viên cũng là bài toán khó ở một số quốc gia như Bulgaria, Estonia, Latvia... - nơi hơn 50% số giáo viên bậc trung học cơ sở đã trên 50 tuổi.

Đáng chú ý, UNESCO cho hay, một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là tình trạng giáo viên khó cân bằng giữa cuộc sống và công việc nên việc từ bỏ nghề giáo ngày càng gia tăng. Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều lo ngại về việc giáo viên có cường độ công việc ngày càng gia tăng, tất yếu kéo theo việc ngày càng thiếu thời gian để làm những việc của cá nhân và gia đình.

Theo khảo sát toàn cầu với các công đoàn giáo viên tại 94 quốc gia, 60% số người được hỏi không đồng tình với nhận định, giáo viên có thể duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống. Trong khi đó, nghiên cứu đối với giáo viên Mỹ cho thấy, cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn là yếu tố hàng đầu khi họ bỏ việc và tìm công việc khác dù có mức lương thấp hơn.

Dễ thấy, việc định hình giải pháp đối với tình trạng thiếu hụt giáo viên là tăng lương và các chế độ đãi ngộ phù hợp. Chưa hết, UNESCO khẳng định, cần đảm bảo điều kiện làm việc linh hoạt như giảm giờ làm, giảm bớt sĩ số học sinh mỗi lớp; cải thiện văn hóa và môi trường tại các cơ sở giáo dục... Theo UNESCO, cần xây dựng văn hóa học đường tích cực, như tạo dựng trường học lành mạnh, an toàn; hỗ trợ cho sự phát triển chuyên môn... giúp tạo ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả làm việc của giáo viên.

UNESCO nêu rõ, thực tế trong thời gian qua đã có những giải pháp khả thi, như trong giai đoạn 2017-2019, Chile đã giảm thời gian giảng dạy cho giáo viên từ 75% xuống 65%. Đây là cách tiếp cận rất cụ thể để giúp giáo viên cân bằng giữa công việc dạy học với cuộc sống hàng ngày.

Trong một nỗ lực tích cực khác, Anh đầu tư hàng triệu USD ứng dụng AI giúp giảm tải cho giáo viên trong việc soạn giáo án và chấm bài. Tại Đông Nam Á, Thái Lan đang thúc đẩy dự án ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành giáo dục và phân bổ ngân sách để hỗ trợ giáo viên.

Cùng với đó, Nhật Bản đã đề xuất phương án tăng số tiền cân đối thu nhập giảng dạy cho giáo viên từ 4% lên 10% lương cơ bản hiện nay, thay cho hình thức tính thu nhập làm ngoài giờ. Đồng thời, Nhật Bản cũng điều chỉnh thời gian nghỉ giữa các tiết học và cân bằng thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi của giáo viên.

UNESCO khẳng định ủng hộ việc tôn trọng, đa dạng hóa và nâng cao giá trị của nghề giáo viên. Đồng thời, tổ chức này kêu gọi thế giới đề cao tiếng nói của giáo viên, thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm nâng cao vị thế của nghề giáo và đảm bảo chất lượng giáo dục.

UNESCO khẳng định, để mỗi người giáo viên phát huy hết tiềm năng, điều quan trọng nhất là tiếng nói của họ phải được lắng nghe và trân trọng. Điều này giúp các nhà giáo có thêm động lực mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp, đồng thời định hình tương lai và thúc đẩy tiến bộ giáo dục trên toàn cầu.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/the-gioi-dung-truoc-cuoc-khung-hoang-ve-giao-duc-post481972.html