Thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội
Chỉ trong năm ngày, Hội sách Hà Nội năm 2019 với chủ đề 'Thành phố vì hòa bình' tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã thu hút hàng chục nghìn độc giả. Hội sách năm nay tập trung giới thiệu về truyền thống văn hóa của Thủ đô, về ý nghĩa lịch sử của Ngày giải phóng Thủ đô. Qua đó, tái hiện những câu chuyện lịch sử, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh quý về Thủ đô, giúp công chúng thêm hiểu, thêm yêu thành phố nghìn năm.
Chỉ trong năm ngày, Hội sách Hà Nội năm 2019 với chủ đề "Thành phố vì hòa bình" tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã thu hút hàng chục nghìn độc giả. Hội sách năm nay tập trung giới thiệu về truyền thống văn hóa của Thủ đô, về ý nghĩa lịch sử của Ngày giải phóng Thủ đô. Qua đó, tái hiện những câu chuyện lịch sử, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh quý về Thủ đô, giúp công chúng thêm hiểu, thêm yêu thành phố nghìn năm.
Được tổ chức đúng dịp 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Hội sách năm nay "đậm đặc" thông tin về lịch sử, văn hóa Hà Nội. Lâu nay, những hình ảnh về Ngày giải phóng Thủ đô được biết chủ yếu là ảnh của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam theo đoàn quân tiến về Hà Nội, hoặc ảnh trích xuất từ phim tài liệu "Việt Nam trên đường thắng lợi" của Liên Xô. Tuy nhiên, ở lễ ra mắt cuốn sách ảnh "Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về" vào sáng 6-10, công chúng đã lần đầu được tiếp cận những tư liệu, hình ảnh mới. Trong đó, rất nhiều tư liệu ảnh được chụp bởi những người dân có mặt trong sự kiện lịch sử ấy. Chủ biên cuốn sách ảnh, nhà sử học Dương Trung Quốc, đã sưu tập được nhiều bức ảnh tư liệu quý giá mà lâu nay vẫn được gìn giữ trong các gia đình, nhất là những gia đình người Hà Nội. Có bộ ảnh gồm 70 tấm được nhà giáo Thân Trọng Ninh gửi từ Huế ra. Ông Ninh người xứ Huế, nhưng học tại Hà Nội và tình cờ được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử. Nhiều bức ảnh do người dân lưu giữ và trao tặng những người biên soạn cuốn sách như ông Trịnh Tiến (phố Hàng Bồ), ông Vũ Văn Mỹ (phố Hàng Bông), ông Lê Sửu (phố Hàng Ðào), nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải… Những hình ảnh, tư liệu mới phát hiện, với nhiều ảnh đời thường về Ngày giải phóng Thủ đô đem lại những cảm xúc lắng đọng trong lòng người xem. Không chỉ thế, cuốn sách ảnh còn là nguồn tư liệu quý cho công tác nghiên cứu.
Hội sách Hà Nội năm 2019 dành một không gian riêng giới thiệu sách về lịch sử, văn hóa, những thành tựu kinh tế - xã hội của Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. Ở không gian này, hai cuốn sách đáng chú ý là "Tuyển tập tư liệu Công ty Ðông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Ðàng Ngoài (1672 - 1697)" và "Tư liệu Công ty Ðông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Ðàng Ngoài (1637 - 1700)" của Phó Giáo sư (PGS) Hoàng Anh Tuấn. Bộ tư liệu về Thăng Long - Hà Nội qua các tài liệu của Công ty Ðông Ấn Anh, Công ty Ðông Ấn Hà Lan lần đầu được xuất bản năm 2010. Tuy nhiên, bộ sách mới chỉ giới thiệu một phần nhỏ trong các tài liệu về Thăng Long trong kho tư liệu nước ngoài. Nhà xuất bản Hà Nội đã tiếp tục phối hợp PGS Hoàng Anh Tuấn tổ chức khảo sát, sưu tầm bổ sung nhiều ghi chép của Công ty Ðông Ấn Anh, Công ty Ðông Ấn Hà Lan lưu giữ tại các nước trên thế giới về Kẻ Chợ. Hai cuốn sách có những bản trích lược nhật ký của thương điếm Anh ở Kẻ Chợ - Ðàng Ngoài; phân tích những thăng trầm trong quan hệ chính trị giữa Công ty Ðông Ấn Hà Lan với triều đình Lê - Trịnh. Ngoài ra, có những ghi chép, nhận định của thương nhân người Anh, Hà Lan về những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo... của Kẻ Chợ, Ðàng Ngoài trong thế kỷ 16-17. Tiến sĩ Ðỗ Thị Thùy Lan - giảng viên Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định, bộ sách là những tư liệu sinh động, chân thực được khai thác từ cách nhìn của người Anh, Hà Lan, là mảnh ghép phù hợp nhằm lấp khoảng trống mà các nguồn tư liệu trong nước không có. Những tư liệu này giúp giới nghiên cứu, độc giả hôm nay có cái nhìn hoàn thiện hơn về Thăng Long - Hà Nội một thời đã qua.
Một chương trình đặc biệt khác diễn ra trong Hội sách là tọa đàm "Hà Nội, một thời để nhớ" và ra mắt cuốn sách "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu" của tác giả Trung Sỹ. Cuốn sách đưa người đọc về thời bao cấp, gian lao mà anh dũng. Qua những trang viết của Trung Sỹ, cùng với những hồi ức của một số nhà nghiên cứu, công chúng được tìm hiểu về một Hà Nội trong những tháng ngày khó khăn, cơ cực trong thời kỳ bao cấp và thời trẻ em Hà Nội về quê sơ tán… Những câu chuyện rất thật về Hà Nội thời gian khó, nhưng lại ấm áp tình người.
Những ngày cuối tuần vừa qua, lượng khách đến Hội sách tại Hoàng thành Thăng Long rất đông. 200 gian hàng sách các loại luôn hoạt động hết công suất. Không gian của sách được hòa vào không gian của những bức ảnh, tư liệu lịch sử trong triển lãm ảnh "Hà Nội mùa thu năm ấy", hòa lẫn những hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Những hoạt động ấy, vừa nhân lên tình yêu văn hóa đọc, vừa giúp mỗi người thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, văn hóa thành phố nghìn năm.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41818102-them-hieu-them-yeu-ha-noi.html