Tỉ lệ nội địa hóa cao, doanh nghiệp vẫn gặp khó về nguyên liệu

Trước tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án khi dịch bệnh có thể kết thúc hoặc kéo dài.

Chiều 5-3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương có buổi làm việc thực địa tại một số doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực dệt may.

Mục đích của buổi thực địa này của Bộ Công Thương nhằm nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Tại Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây, đây là công ty chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó 60% xuất sang thị trường Anh. Dù sản phẩm của công ty có tỉ lệ nội địa hóa cao trên 70% nhưng cũng gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm việc với một số doanh nghiệp dệt may, da giày chiều 5-3. Ảnh: HỒNG HẠNH

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm việc với một số doanh nghiệp dệt may, da giày chiều 5-3. Ảnh: HỒNG HẠNH

Chia sẻ với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây, cho biết: "Tỉ lệ nội địa hóa trên 70% như đế giày, vải thô, lót và một phần PU, một số phụ kiện trang trí, đinh tán nhưng một số vải đặc chủng, như vải dệt kẻ, vải in hoa... thì chúng tôi vẫn phải nhập khẩu. Như nhiều DN khác chúng tôi đang gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu".

Trước tình hình đó, Công ty Hóa Dệt Hà Tây đang tập trung liên hệ, tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước. Đồng thời, chủ động đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu.

Tại Tổng Công ty May 10, nơi có 12.000 lao động đang làm việc trên khắp cả nước cũng đang chịu sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc, nỗi lo nhân công và nhất là nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung trong khi đối tác vẫn cần hàng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết: "Trước tình hình như hiện nay, công ty cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án khi dịch bệnh có thể kết thúc hoặc kéo dài".

Được biết tại Tổng Công ty May 10 đã thành lập Ban phòng, chống dịch bệnh và thường xuyên túc trực, cập nhật tình hình. Bởi DN này quan niệm, sức khỏe của người lao động là tài sản của công ty, nếu chẳng may một trường hợp nhiễm bệnh, cả nhà máy, thậm chí cả tổng công ty phải đóng cửa, bị cách ly.

Sức khỏe của người lao động là tài sản của công ty, nếu một người bị nhiễm bệnh thì cả nhà máy phải đóng cửa. Ảnh: HỒNG HẠNH

Sức khỏe của người lao động là tài sản của công ty, nếu một người bị nhiễm bệnh thì cả nhà máy phải đóng cửa. Ảnh: HỒNG HẠNH

Sau khi lắng nghe các DN chia sẻ tình hình sản xuất, kinh doanh và những khó khăn do tác động của dịch COVID-19 gây ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự tích cực, chủ động vượt khó của từng DN. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gợi ý, với tỉ lệ nội địa hóa cao, có những đôi giày lên đến 95% như vậy, DN nên tìm kiếm các thị trường nguyên liệu khác, ưu tiên khai thác thị trường trong nước, tránh để phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. "Khó khăn, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Đây là lúc các DN cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác… qua đó hạn chế rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm" - ông Trần Tuấn Anh nói. Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ luôn lắng nghe các ý kiến, đề xuất của DN, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Về phía Bộ, Bộ sẽ làm hết trách nhiệm để hỗ trợ DN, từng bước tháo gỡ khó khăn. Thời gian tới, các DN cần tập trung phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử tại thị trường nội địa, vì đây là một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

A.HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/ti-le-noi-dia-hoa-cao-doanh-nghiep-van-gap-kho-ve-nguyen-lieu-894574.html