Tiếp sức nông dân phát triển kinh tế
Thời gian qua, hội viên nông dân huyện Hoài Đức đã tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao. Tiếp sức cho hội viên, các cấp Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần...
Tại địa bàn xã Đắc Sở - “vựa” trồng phật thủ của huyện Hoài Đức, nhiều năm qua, các hội viên nông dân đã liên kết với nhau, cùng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở Đinh Thị Kiều Trang cho biết, hiện xã có một câu lạc bộ làm vườn, một hợp tác xã trồng phật thủ, 5 tổ hội nghề nghiệp. Điển hình là Câu lạc bộ làm vườn xã Đắc Sở có hơn 50 hội viên. Các hội viên chủ yếu phát triển kinh tế với mô hình trồng cây phật thủ.
Đây là loại cây cho thu hoạch quả quanh năm nhưng rộ nhất vào 2 đợt, từ tháng 6 đến tháng 7 âm lịch và từ tháng 12 âm lịch năm trước đến hết tháng giêng năm sau. Quá trình hoạt động, các hội viên thường xuyên hỗ trợ nhau cách làm vườn, chăm sóc cây, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ quả phật thủ ở các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và tại thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Bắc Giang, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình…
Hay như Tổ hội nghề nghiệp trồng phật thủ ở Đắc Sở có 12 thành viên, trong đó nhiều thành viên được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương, thành phố, như: Hộ ông Nguyễn Văn Chiến (thôn Đông); hộ ông Tạ Văn Phúc, Tạ Văn Tâm (thôn Đông Hạ); hộ ông Tạ Hiếu Đáng (thôn Diềm Xá)… Ông Tạ Hiếu Đáng chia sẻ, doanh thu từ trồng phật thủ của mỗi hộ đạt từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 200-300 triệu đồng.
Trong khi đó, ở xã Đông La (huyện Hoài Đức), các hội viên nông dân đã liên kết với nhau, thành lập Chi hội trồng hoa lan Đông La, với 169 thành viên và 4 tổ hội nghề nghiệp trồng, sản xuất, kinh doanh hoa lan, bưởi, táo; mỗi tổ hội có từ 12 đến 15 thành viên. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La Nguyễn Tài Quân cho hay, tiếp sức cho các hộ hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ các nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội. Mỗi hộ hội viên được vay tối đa 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ từ các nguồn vốn ưu đãi ở Đông La đạt hơn 10,4 tỷ đồng, với 220 hộ vay. Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn phối hợp với các đơn vị chức năng huyện, thành phố tổ chức nhiều đợt tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây hoa, cây ăn quả, cách phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch… cho hơn 4.800 lượt hội viên.
Theo Chủ tịch UBND xã Đông La Kiều Duy Tập, nông dân xã đã góp phần tích cực vào việc thực hiện giảm hộ cận nghèo, nâng cao thu nhập và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 72,4 triệu đồng/ người/năm; xã chỉ còn hơn 40 hộ cận nghèo và phấn đấu xóa hộ cận nghèo trong năm 2024. Đông La cũng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Hoài Đức đang hỗ trợ hơn 4.300 hộ hội viên nông dân vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ là 188 tỷ đồng. Hội cũng đang hướng dẫn Hội Nông dân các xã: Cát Quế, Song Phương, Tiền Yên, Minh Khai, Yên Sở, Đắc Sở xây dựng hồ sơ dự án vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố, huyện và nguồn ngân sách huyện bổ sung năm 2024 để phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tiep-suc-nong-dan-phat-trien-kinh-te-663161.html