Tìm kiếm cơ hội cho sản phẩm OCOP của vùng Đông Nam Bộ
Với hàng trăm sản phẩm OCOP có chất lượng cao và mang tính đặc trưng địa phương, nhiều tỉnh thành Đông Nam bộ đang thúc đẩy việc liên kết để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng thông qua kênh bán hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện ích và trung tâm thương mại.
OCOP lên kệ siêu thị, không dễ dàng
Tỉnh Long An có trên 11.720ha chanh, trong đó diện tích cho trái trên 10.000ha, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Riêng huyện Bến Lức có trên 6.700ha chanh, trong đó có 5.700ha cho trái, sản lượng trên 97.700 tấn/năm.
Hiện chanh tươi và các sản phẩm chế biến sâu từ cây chanh của Long An chiếm trên 85% sản lượng cả nước. Nhiều sản phẩm chế biến sâu từ cây chanh được công nhận sản phẩm OCOP.
Những sản phẩm OCOP từ chanh ngày càng đa dạng phong phú, như: Nước chanh nha đam mật ong đóng hộp; muối tiêu chanh; muối ớt chanh; vỏ chanh sấy; lá chanh sấy; lát chanh sấy... Tuy nhiên để sản phẩm OCOP từ chanh có mặt trong hệ thống bán lẻ trong nước là cả câu chuyện dài.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, CEO, Chủ tịch HĐQT Công ty Chanh Việt, thời gian qua doanh nghiệp, HTX và các hệ thống siêu thị bán lẻ đều chia sẻ quyền lợi song hành cùng nhau. Tuy nhiên để đáp ứng các tiêu chuẩn có mặt trên kệ đã khó, quá trình đến được tay người tiêu dùng và được chấp nhận không phải dễ dàng.
"Siêu thị bán những sản phẩm nào chạy hàng thì họ mới ưu tiên bán. Bởi chi phí mặt bằng, nhân viên của họ cũng lớn… nếu sản phẩm của mình không phù hợp thì bị đào thải ngay. Muốn phù hợp phải truyền thông quảng bá rồi khuyến mãi liên tục thì mới chạy hàng được. Nhất là những sản phẩm mới, những mặt hàng truyền thống địa phương mang vào siêu thị để được chấp nhận luôn là câu chuyện dài và khó" - ông Hiển cho biết.
So với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, số sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4-5 sao của tỉnh Tây Ninh không nhiều. Trong số 68 sản phẩm OCOP được công nhận, có 1 sản phẩm 5 sao, 20 sản phẩm 4 sao…
Bà Trương Thị Thi, Quản lý trưởng Công ty TNHH Sản xuất- Dịch vụ- Thương mại Hòa An chia sẻ, ngoài các loại đặc sản địa phương như: mắm cá rễ tre, me muối ớt, mãng cầu Bà Đen, bánh tráng thì Tây Ninh còn có lợi thế để sản xuất những sản phẩm trà, rượu, nước giải khát truyền thống từ mãng cầu, bưởi. Tuy nhiều sản phẩm đủ chuẩn OCOP nhưng rất khó tiếp cận các chuỗi siêu thị để phân phối sản phẩm.
Theo bà Thi: "Hiện sản phẩm của địa phương chưa tiếp cận để được vào kệ hệ thống siêu thị Co.op… Cũng mong chính quyền tỉnh tạo điều kiện thêm nhiều chương trình kết nối, xúc tiến để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và đồng thời giúp điều chỉnh được những vấn đề còn hạn chế để sản phẩm OCOP địa phương tiếp cận được nhiều khách hàng hơn".
Chuẩn hóa sản phẩm OCOP
Điểm hạn chế của sản phẩm OCOP của các tỉnh như: Long An, Tây Ninh, Đồng Nai…, đó là hình thức sản xuất, canh tác còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống phân phối lớn về số lượng, điều kiện giao hàng, thanh toán... Đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại. Chính bởi vậy, ngành chức năng các địa phương đang nỗ lực gắn kết với các hệ thống phân phối trong nước để từ đó tạo kênh phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn.
Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, địa phương đang nỗ lực liên kết sản phẩm OCOP của bà con đến với các siêu thị như: Saigon Corp, MM Mega Market, Aeon Mall, Go!... Sản phẩm cũng được một số hệ thống siêu thị của kiều bào ở nước ngoài kết nối tiêu thụ, nhất là những sản phẩm, sản vật truyền thống. Từ đó, giúp bà con nắm bắt được xu hướng tiêu dùng mới để cải tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì,... chuẩn hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Vừa qua các hoạt động kết nối giao thương do TP.HCM tổ chức được đẩy mạnh và rất hiệu quả, thu hút được rất nhiều doanh nghiệp các tỉnh tham gia. Qua đó, sản phẩm OCOP cũng được các hệ thống siêu thị của kiều bào tại Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản để mắt tới.
Bà Châu Thị Lệ cho biết thêm: "Một số doanh nghiệp cũng đã có những phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường, như: gửi mẫu, cải tiến tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đối với sản phẩm OCOP thì đã có những doanh nghiệp dù tuy nhỏ, nhưng sẵn sàng đồng hành cùng chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và đến nay có đơn vị đã xuất được 3 chuyến hàng rồi".
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, cho biết, song song đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ hàng hóa ở các hệ thống phân phối lớn, đặc biệt chuỗi Co.opmart của Saigon Corp, Tây Ninh cũng đang giúp nhà sản xuất hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm.
"Người sản xuất sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu của hệ thống thương mại, nhất là thương mại hiện đại như Saigon Corp. Phía hệ thống siêu thị cũng có nguồn hàng ổn định từ đó hai bên cùng phát triển… Với vai trò nhà nước, các sở, ngành sẽ tham mưu cho Ủy ban các tỉnh, rồi qua kênh Quốc hội cũng sẽ đề nghị Trung ương ban hành chính sách phù hợp để giúp cho nền nông nghiệp phát triển, nhất là sản xuất của người dân ở các địa phương" - ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ hàng hóa, với sự hỗ trợ của các hệ thống siêu thị nội địa thì sự đồng hành của chuỗi hệ thống bán lẻ cũng như thương nhân kiều bào đã và đang tạo động lực cho sản phẩm truyền thống ngày một hoàn thiện, vươn xa và phát triển bền vững.