Tìm về Đất Tổ linh thiêng

'Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm'. Đến hẹn lại lên, vào đúng độ tiết thanh minh tháng 3 âm lịch, tiếng trồng đồng lại rền vang khắp bốn về núi rừng Nghĩa Lĩnh, như lời hiệu triệu con cháu lạc hồng từ 'khát khao trời xanh biên giới, đến mặn mòi con sóng mũi Cà Mau' tìm về đất Tổ linh thiêng cúi đầu tạ ơn công đức của cha ông đã có công dựng nước…

“Cây sinh nghìn nhánh từ gốc, nước chảy muôn dòng tại nguồn”

Chúng tôi về vùng đất cổ Hy Cương, khi những giọt sương ban mai còn vương đọng trên tán lá. Từng bậc thềm như "cánh cửa" mở lối về của thời gian, đi qua 225 bậc đá ven theo sườn núi, chúng tôi đã có mặt tại đền Hạ - biểu tượng cho tình cảm máu thịt của cả dân tộc trong suốt hơn bốn nghìn năm lịch sử và cũng là nơi khởi nguồn cho công cuộc tạo dựng giang sơn gấm vóc đời đời bền vững, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…

Trình diễn Hát Xoan tại Đình cổ Hùng Lô phục vụ du khách về đất Tổ. Ảnh: Báo Phú Thọ

Trình diễn Hát Xoan tại Đình cổ Hùng Lô phục vụ du khách về đất Tổ. Ảnh: Báo Phú Thọ

Đền Hạ, chính nơi Mẹ Âu cơ đã hạ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai. Nhưng vì Cha Lạc Long Quân vốn là dòng dõi Rồng, không ở được trên cạn nên khi các con khôn lớn, Cha bàn với Mẹ chia các con đi mở mang bờ cõi, 50 người con theo cha đi xuôi về phía biển, 50 người con theo mẹ lên ngược vùng núi. Trên con đường dài muôn dặm, Mẹ cùng đàn con đã đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Còn, người con cả ở lại nối ngôi cha truyền và lập nên Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của người dân đất Việt, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng trị vì đất nước trong 2621 năm (Từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 TCN).

Đứng trên Đền Thượng, phóng tầm mắt về bốn hướng, cảm phục trước “thiên nhãn” của bậc Quân vương khi chọn Phong Châu là Kinh đô của Nhà nước Văn Lang. Đó là nơi 3 con sông hội tụ, hai bên là Tản Viên, Tam Đảo chầu về. Từ thế đất ấy, có thể ngược sông Đà lên Tây Bắc, ngược sông Thao lên biên giới Việt - Trung, ngược sông Lô lên Tuyên Quang - Hà Giang… Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh có Kính Thiên Lĩnh Điện thờ Thần Núi. Mộ Tổ sau đền Thượng là nơi sau khi cùng quân dân Văn Lang đánh đuổi giặc Ân, Hùng Vương thứ 6 cởi áo vắt trên cành kim giao rồi hóa, táng tại đó. Cạnh đó, Cột đá thề của Thục Phán An Dương Vương khi được con rể Hùng Vương thứ 18 là Tản Viên nhường ngôi thể hiện son sắt lời thề quyết giữ gìn non sông xã tắc của các vua Hùng. Dưới chân núi Hùng có Đền Giếng - nơi thờ hai công chúa của Hương Vương thứ 18 là Ngọc Hoa và Tiên Dung.

Tìm về cội nguồn theo đúng tinh thần “cây sinh nghìn nhánh từ gốc, nước chảy muôn dòng tại nguồn”. Lần đầu tiên đưa cả gia đình từ châu Âu sau hơn 20 xa xứ, ông Lê Văn Chính (Việt kiều Đức) chia sẻ: bao nhiêu năm ở nơi đất khách quê người, tôi chỉ mong muốn được đưa đại gia đình được về nơi cuội nguồn của tổ tiên, để giáo dục con cái đức hiếu hạnh và khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc…

Ý thức được trọng trách của vùng đất khởi nguồn dựng nước, nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức chu đáo Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng. Sau ba năm tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Lễ hội năm nay hứa hẹn sẽ là một cuộc hạnh ngộ đặc biệt của 54 dân tộc anh em.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng cho biết: Lễ hội Đền Hùng năm nay gắn liền với Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 21 - 28.4. Phần Lễ được tập trung vào các hoạt động chính: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh…

Phần Hội gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành các chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ. Đặc biệt, năm nay, tỉnh tiếp tục vận động, khuyến khích các gia đình trên địa bàn tỉnh tự chuẩn bị mâm cơm bảo đảm trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên của dân tộc trong ngày 10.3 âm lịch.

Hiện thực hóa khát vọng từ những lợi thế

Nền tảng văn hóa lâu đời và các huyền tích thiêng liêng đang thực sự là điểm tựa vững chắc cho Phú Thọ phát triển. Phường Bạch Hạc nằm ở phía Đông Nam thành phố Việt Trì, có 1 di tích lịch sử cấp Quốc gia là Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đền Tam Giang và chùa Đại Bi, 5 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố. Hàng năm, phường tổ chức các lễ hội như: Lễ hội truyền thống làng Mộ Chu Hạ; lễ hội Đền Quách An Nương. Đáng chú ý, vào dịp mùng 10.3 âm lịch hàng năm, còn có các hoạt động đêm thơ về bến Hạc, lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô, tế lễ, rước nước ngã ba sông... Với nhiều tiềm năng, lợi thế, phường Bạch Hạc được UBND tỉnh lựa chọn xây dựng thành điểm đến du lịch cộng đồng, văn hóa tâm linh và trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

Di sản văn hóa luôn có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vị thế của tỉnh không chỉ đối với quốc gia mà còn cả trên trường quốc tế. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có 2 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ… Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch (phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) cho biết: từ khi Hát Xoan được vinh danh, du khách tìm đến ngày càng đông hơn.

Cùng với những “trái ngọt” trên mặt trận văn hóa, du lịch ở các trụ cột kinh tế khác cũng đã tạo nên nhiều bứt phá. Đặc biệt, trong năm 2022, sau những nỗ lực phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực. 9/9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,7% (kế hoạch 6,5% trở lên)... Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu, dù có nhiều khó khăn thách thức, song Phú Thọ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tim-ve-dat-to-linh-thieng-i326092/