Trường 'Nguyễn Ánh'

Nhập ngũ tại Tiểu đoàn 914 vào tháng 5-1971, chúng tôi trải qua khóa huấn luyện tân binh, tập luyện ở thao trường, hành quân từ Thái Bình ra Quảng Yên thực hành bắn đạn thật, ném lựu đạn, đánh bộc phá bằng thuốc nổ, tập chiến thuật tổ 3 người, trèo đèo lội suối, mắc tăng võng, ăn ở dã ngoại trong rừng. Khi đã đủ tố chất của người lính sẵn sàng hành quân đi 'B' vào chiến trường, chúng tôi được cử đi học đào tạo Tiểu đội trưởng, ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Chúng tôi gọi thân thương đó là Trường 'Nguyễn Ánh'.

Đó là Đội huấn luyện thuộc Trung đoàn 51 (tương đương cấp Tiểu đoàn). Ban chỉ huy có đồng chí Nguyễn Ánh, cấp bậc Thượng úy, là Đội trưởng; đồng chí Doãn Đình Hợp, cấp bậc Trung úy, là Chính trị viên; Phó đội trưởng là đồng chí Định, phụ trách hậu cần; đồng chí Thuật là Chính trị viên phó.

Đội huấn luyện được biên chế thành 4 phân đội. Các phân đội trưởng đều có cấp hàm chuẩn úy. Anh Hảo - Phân đội trưởng phân đội 1 là lính chiến ở chiến trường ra, người Hải Phòng, rất nghiêm khắc và nóng tính. Anh Biền, người dân tộc Tày, to cao, nét mặt hiền lành, bước đi chững chạc, mà anh Hợp (chính trị viên) cứ trầm trồ: “Trông nó đi sao mà thích thế”.

Anh Giới, Phân đội trưởng phân đội 3, vui tính và hài hước, hay bắt chước trêu Đội trưởng Nguyễn Ánh xốc cạp quần khi sơ vin, vì dáng người thấp đậm, cục mịch. Anh Chuông, Phân đội trưởng phân đội 4, quê ở xã Quyết Tiến (Kiến Xương, Thái Bình), hiền lành như một thầy giáo nho nhã. Đầu giường anh nằm có chiếc gối trắng, trên mặt thêu 3 chữ như nhắn nhủ rất tình tứ: “Ngủ đi anh”.

Mỗi phân đội có 2 phó phân đội trưởng: Anh Kỉnh, anh Hoàn, anh Thuấn, anh Chất, anh Thiệp, anh Thậu… đều là những cán bộ đã qua thực tiễn, rất năng động, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác.

Khóa chúng tôi học là khóa thứ hai. Học viên được tuyển chọn từ các Tiểu đoàn huấn luyện quân tăng cường đi B của các trung đoàn, như: 914, 916, 918, Tiểu đoàn 53, cùng một số đồng chí ở cơ quan của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình.

Lễ khai giảng được tổ chức trang nghiêm tại hội trường Hợp tác xã thôn Lương Cụ. Đồng chí Nguyễn Đình Diễm, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cùng cán bộ cơ quan Trung đoàn về dự và phát biểu giao nhiệm vụ.

 Gặp mặt “Hội tình nghĩa” trường "Nguyễn Ánh" (năm 2023). Ảnh do tác giả cung cấp

Gặp mặt “Hội tình nghĩa” trường "Nguyễn Ánh" (năm 2023). Ảnh do tác giả cung cấp

Có chức năng đào tạo, nhưng giáo viên lên lớp và huấn luyện đều là cán bộ phân đội và đội, chứ không có giáo viên chuyên trách. Sau này, khi đã học qua các nhà trường, học viện chính quy, cả đại học và trên đại học, nhưng tôi thấy các “Thầy” ở đội huấn luyện Trung đoàn 51 thật là giỏi.

Từ kiến thức được học và kinh nghiệm thực tiễn các anh truyền đạt cho, chúng tôi được học nhuần nhuyễn các môn kỹ thuật bộ binh, chiến thuật tiểu đội, trung đội. Thao trường như những “bãi tha ma”, được xây dựng như những điểm phòng ngự, có đủ cả lô cốt đầu cầu, lô cốt mẹ, lô cốt con, đường hào, hàng rào vật cản, xe tăng… Tất cả được đắp bằng đất và các vật liệu tự tạo.

Môn điều lệnh được các thầy giảng dạy rất đầy đủ, từ điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệnh đội ngũ, điều lệnh nội vụ, kỷ luật thao trường, chiến trường, trực ban tác chiến… Rất cơ bản và đầy đủ. Anh Kỉnh lên lớp điều lệnh đội ngũ, động tác làm mẫu rất chuẩn. Da anh đen, có chiếc răng vàng, nói chuyện có duyên. Hôm giúp dân đào ao, anh nói vui: “Các cậu cứ chê mình đen, hôm nay bước xuống bùn mới thấy chân tớ trắng”.

Anh Hợp, Chính trị viên, người dân tộc Tày, là một cán bộ chính trị mẫu mực. Anh rất hiểu tâm lý, tâm tư nguyện vọng của các em học viên. Các bài giảng chính trị của anh về “Cán bộ tiểu đội làm công tác chính trị tư tưởng ở tiểu đội” trong huấn luyện, trong chiến đấu, trong công tác, đã trang bị cho chúng tôi những kiến thức rất cơ bản và thiết thực trong giáo dục quản lý bộ đội sau này. Anh giảng bài, như người anh dạy bảo những người em thân yêu, về bài học công tác dân vận từ thực tiễn chiến đấu và công tác. Chúng tôi say mê tiếp thu, cuối bài học, phần thảo luận bao giờ cũng có phần liên hệ cán bộ tiểu đội phải làm gì khi về đơn vị công tác.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, anh là liên lạc cho một chỉ huy công an vũ trang. Học viên được đào tạo thành các Tiểu đội trưởng như chúng tôi, cứ nói đùa là cán bộ cấp “Đầu binh, cuối cán”, anh lại gọi chúng tôi là các “Thủ trưởng Tiểu đội”. Rồi anh kể chuyện vui: Ở chiến trường ra, anh đã là sĩ quan cấp bậc quân hàm Thiếu úy được nghỉ phép về quê hỏi vợ. Anh đến chơi nhà một cô gái trẻ đẹp nhất bản, cả gia đình vui và quý lắm, mình “khéo” giới thiệu là sĩ quan quân đội. Bà Mế mặt thản nhiên, miệng bỏm bẻm nhai trầu, buông một câu chắc nịch: “Con gái tôi có anh bộ đội cấp “Hạ sĩ quan” hỏi, tôi còn chưa gả, nữa là anh Thiếu úy quèn”. Cả lớp đang nghiêm túc học, mà ồ lên vui vẻ, xóa luôn mặc cảm là cán bộ cấp “cuối cán”.

Đội trưởng Nguyễn Ánh, dáng người đậm, chắc chắn. Ông hồn nhiên, nói vui hóm hỉnh: “Đội huấn luyện là nơi đào tạo cán bộ từ tổ trưởng 3 người, đến cấp tướng, ai có tài thì cứ phất”. Ông luôn chững chạc, nghiêm khắc trong quản lý bộ đội, chấn chỉnh, rèn luyện quân phong, quân kỷ, quan tâm chất lượng huấn luyện. Ông nói, học xong về đơn vị công tác, các Đại đội trưởng có năng lực thường ví các Tiểu đội trưởng của Đại đội như những cánh tay phải của mình. Ông cũng gần gũi kể cho học viên nghe những hoạt động của bộ đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà ông đã làm cán bộ trung đội, đại đội, khung huấn luyện của đơn vị chỉ biên chế cán bộ phân đội.

Các tiểu đội, học viên thay nhau luân phiên đảm nhiệm thực hành chức trách Tiểu đội trưởng. Mỗi đồng chí hằng ngày, hằng tuần, được góp ý bổ sung các điểm mạnh, yếu, giúp học viên tiến bộ rất nhanh. Cán bộ phân đội và học viên ở nhà dân, trật tự nội vụ rất ngăn nắp. Tôi cứ ngắm những tập Báo Quân đội nhân dân được nẹp ghim cẩn thận, ghi dòng chữ “Vật chất nuôi cơ thể, báo chí nuôi tinh thần”.

Trong 3 tháng huấn luyện, chúng tôi được rèn luyện rất nền nếp, thực tế những kiến thức về năng lực của người chỉ huy tiểu đội. Ngày Chủ nhật nghỉ huấn luyện, chúng tôi tham gia lao động đi gặt giúp dân tận xã Tán Thuật (huyện Kiến Xương), có ngày bốc xếp đội phân bón từ sà lan lên kho ở bến Hiệp, lấy tiền gây quỹ cho các hoạt động sinh hoạt của đơn vị.

Dân làng Lương Cụ và Quỳnh Ngọc rất thương yêu, đùm bọc, tạo điều kiện cho học viên và Đội huấn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sân kho của làng Lương Cụ ở cạnh hồ nước to, là nơi đặt bếp ăn và sinh hoạt chung của đơn vị (sau này mới làm được hội trường để Trung đoàn đăng cai các lớp tập huấn cho cán bộ khung các tiểu đoàn). Ở sân kho có đình làng. Chúng tôi tổ chức liên hoan văn nghệ, giao lưu với đoàn viên thanh niên địa phương. Vui và sôi động có tiết mục của phân đội tôi: Anh Đại, cây đơn ca, với bài hát “Cô gái lái tàu trên sông”; anh Hiền đóng vai phản diện trong màn hài kịch, diễn rất đạt. Phân đội 1 chúng tôi còn giành giải Nhì thi báo tường của Trung đoàn (giải Nhất thuộc Ban Tham mưu Trung đoàn). Anh Thuấn, Phó phân đội trưởng cứ xuýt xoa “Ban Tham mưu có nhiều nhân tài nên nhất là phải”.

Cứ mỗi khóa học 3 tháng, với hàng trăm cán bộ tiểu đội kế tiếp nhau ra trường, đảm đương các Tiểu đội ở hơn 50 Tiểu đoàn của Trung đoàn 51. 3 tháng huấn luyện tân binh và học xong đào tạo Tiểu đội trưởng, quân phục đã bạc màu, khi về đơn vị công tác, đi lấy quân, chúng tôi được các em tân binh gọi là “thủ trưởng”. Hàng tháng sau, chúng tôi mới được phong quân hàm binh nhất. Đấy là điều mà cấp trên khi quyết định thành lập, không gọi là đào tạo Hạ sĩ quan, mà là đào tạo Tiểu đội trưởng.

Hàng nghìn cán bộ Tiểu đội đã từ Trường “Nguyễn Ánh” về các đơn vị chiến đấu, vào các chiến trường. Chúng tôi đã lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng danh con em của Trung Đoàn “Vĩnh Thái” quê lúa Thái Bình, tự hào là những người lính Bộ đội Cụ Hồ được học tập ở Đội huấn luyện đào tạo cán bộ tiểu đội của Trung đoàn 51.

Ngày 15-10-1995, các cựu học viên ngày ấy đã tâm huyết họp mặt, thành lập “Hội tình nghĩa” học đào tạo Tiểu đội trưởng Trung đoàn 51, mà chúng tôi vẫn gọi vui là Trường "Nguyễn Ánh” (tên của thủ trưởng đơn vị). Trải qua 29 năm hoạt động, các anh Nguyễn Văn Hồng, anh Phạm Hoan, anh Nguyễn Văn Hoàn (những người khởi xướng), cùng Thường trực Ban liên lạc, như anh Phạm Xuân Quế, Nguyễn Huy Tuấn, Nguyễn Thanh Thúy thường xuyên duy trì hoạt động rất tích cực và hiệu quả.

Ban đầu, có 25 hội viên. Đến nay, đã có hàng trăm hội viên tham gia từ khắp mọi miền đất nước. Hội hoạt động theo tôn chỉ, mục đích thắm đượm tình đồng chí, đồng đội, đồng hương, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Cứ khoảng tháng 10 hằng năm, Hội họp mặt toàn thể Ban liên lạc. Các anh chị em tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm xưa, nhớ những thủ trưởng ban chỉ huy đội, phân đội, các đồng đội cũ, nay ở nơi đâu, ai còn, ai mất.

 Anh Phạm Thanh Hoàn và anh Nguyễn Đình Thiệp (đứng giữa) cùng các học viên trong ngày gặp mặt. Ảnh do tác giả cung cấp

Anh Phạm Thanh Hoàn và anh Nguyễn Đình Thiệp (đứng giữa) cùng các học viên trong ngày gặp mặt. Ảnh do tác giả cung cấp

Từ những người học viên trẻ tuổi, thấm thoắt đã hơn 50 năm, mái đầu đã bạc, nay đã lên ông, lên cụ, có người phấn đấu trưởng thành là cán bộ các cơ quan của Đảng, Nhà nước, địa phương, có người là giáo sư, tiến sĩ, luật sư, bác sĩ, cán bộ cao cấp của quân đội, được phong quân hàm cấp tướng, có người đã về với cuộc sống đời thường.

Chúng tôi được gắn bó bằng tình cảm thân thương là những đồng đội, học viên của Trường “Nguyễn Ánh”, và vui hơn, có cán bộ phân đội như anh Phạm Thanh Hoàn, người lên lớp dạy chúng tôi ôm khối bộc phá áp sát cạnh lỗ châu mai lô cốt địch, với động tác rất chuẩn.

Anh Nguyễn Đình Thiệp lên lớp dạy chúng tôi kỹ thuật đánh xe tăng đang cơ động, chiến thuật Tiểu đội trong chiến đấu, cùng anh em học viên chúng tôi ấm áp tình thầy trò, như những ngày gian khó thấm đẫm mồ hôi trên thao trường

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức - Lúc khó khăn, thử đức, thử tài”.

Chúng tôi mang trong mình chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu. Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đi đến ngày toàn thắng, có một phần chiến công của chúng tôi - những Hạ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - các học viên được huấn luyện, đào tạo ở Đội huấn luyện Trung đoàn 51, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình - Quân khu Tả Ngạn.

Thiếu tướng, PGS, TS PHẠM TIẾN LUẬT

(Thái Bình, tháng 10-2024)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/truong-nguyen-anh-797765