Tuổi thơ kháng chiến của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
'Tuổi thơ kháng chiến' là phần dài nhất trong 10 phần hồi ký 'Bảy nổi ba chìm' (NXB Đà Nẵng, 2022), gồm 10 chương, cũng là phần mà tôi thích nhất.
Cuối năm 1950, mới 9 tuổi, chú bé Nguyễn Công Bác (tên khai sinh của Nguyễn Bắc Sơn) đã chân đất đi bộ từ Tân Phong, Hạ Hòa, Phú Thọ lên thị xã Tuyên Quang gia nhập Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật (TNNT - tên do Bác Hồ đặt) do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Trong tấm ảnh chụp cuối năm 1951 có 30 người trong đoàn. Hàng đầu 11 người, 4 nam, 7 nữ đều quần dài, áo sơ mi dài tay hoặc áo rét, khăn len quàng cổ, chỉ có Nguyễn Bắc Sơn quần soóc (mẹ tự may vội trước khi đi), và tất cả đều chân đất.
Các nhạc sĩ, biên đạo múa của Đoàn tự biên và lấy các ca khúc phổ biến lúc bấy giờ biên soạn cho đoàn viên tập, biểu diễn phục vụ bộ đội, cán bộ, nhân dân khắp An toàn khu (ATK Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái).
Hoàn cảnh thời ấy nó thế. Đến bộ đội chính quy đồng phục cấp phát còn chưa đủ. Quân phục rách không có kim chỉ, đành lấy dây buộc túm lại, nên mới có tên gọi thương yêu “Vệ túm”. Nhà thơ Chính Hữu đã "đóng đinh" vào lịch sử hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng: “Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày / Thương nhau, tay nắm lấy bàn tay” (Đồng chí).
Là bạn đồng môn Đại học Sư phạm Hà Nội, thân thiết với Nguyễn Bắc Sơn từ lâu, tôi đọc tất cả cuốn sách của ông. Nhưng đến Bảy nổi ba chìm mới cảm nhận được đầy đủ cuộc đời ông, con người ông. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ chọn điểm nhấn là thời gian Nguyễn Bắc Sơn ở đoàn TNNT.
Không cường điệu khi nói, những ai từng ở vùng tạm chiếm khi đọc Tuổi thơ kháng chiến cũng hình dung ra cả cuộc kháng chiến qua các ca khúc mà Nguyễn Bắc Sơn đã cùng các đoàn viên khác biểu diễn. Một ca khúc duy nhất trên thế giới không phải của một nhạc sĩ mà là sáng tác tập thể, do dàn đồng ca hai tốp hát đuổi: “Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến / Mặc đèo cao, mặc đường trơn dốc đá / Mặc hành quân mang nặng / Ta cứ đi, ta vẫn vui / Quyết mang chiến công về / Anh em chúng ta ơi, chúng ta là bộ binh trợ chiến / Mùa đông này, ta quyết đánh giặc tan...” (Bộ binh trợ chiến).
Đoàn có một biên đạo múa tài năng, có thể từ các ca khúc hình thành màn múa, nhảy. Như Đếm sao vốn là ca khúc của nhạc sĩ Văn Chung, đã "biến" thành điệu múa mười người, mỗi người cầm một ngôi sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ hình tròn. Nguyễn Bắc Sơn là ngôi sao bé nhất trong đội hình vừa múa vừa hát: “Một ông sao sáng / Hai ông sáng sao / Ba ông sao sáng / Sáng chiếu muôn ánh vàng...”.
Chương Ấn tượng Văn Cao (tr 66-72), điểm nhấn là ba ca khúc ca ngợi hải, lục, không quân Việt Nam; có Tiến quân ca - sáng tác năm 1944, sau khi nước nhà độc lập, được Quốc hội chọn làm Quốc ca.
Không dễ hiểu được Văn Cao, năm 16 tuổi (1939) với sáng tác đầu tay Buồn tàn thu nói về nỗi đau của người con gái bị người yêu phụ bạc, mà 5 năm sau, khi giác ngộ cách mạng đã kịp hình dung ra nhà nước độc lập với cả ba quân chủng để ca ngợi, cổ vũ hào sảng như thế. Đặc biệt, năm 1948, trước chiến thắng đầu tiên trong chiến dịch Biên giới 2 năm, vậy mà ông đã viết như một nhà tiên tri: “Trùng trùng quân đi như sóng / Lớp lớp đoàn quân tiến về / Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng / Cờ ngày nào tung bay trên phố...”. Ca khúc Tiến về Hà Nội đoàn TNNT mới biểu diễn được mấy lần thì bị nhắc vì “lạc quan tếu”.
Chương Tinh thần quốc tế vô sản (tr 73-85) nhắc đến những ca khúc mà đoàn TNNT đã biểu diễn, phản ánh tình hữu nghị Việt - Trung - Xô thắm thiết một thời.
Chương Hát chế (tr 85-92) có thể coi là một tiểu luận ngắn về “hát chế”. Bảo rằng là một tiểu luận vì tác giả đã định nghĩa rạch ròi thế nào là “hát chế”, đặc trưng của “hát chế”, mục đích của “hát chế”, “hát chế” qua từng thời kỳ và cả mặt trái của hát chế khi bị biến tướng, bị lạm dụng.
Ba chương cuối Học sống, Dây máu ăn phần, Thả bè về Hà Nội cho bạn đọc thấy ngồn ngộn vốn sống của chú bé Bắc Sơn đã trải nghiệm trong kháng chiến chống Pháp của mình như thế nào. Vốn sống dày dặn cũng giúp ông thành công trong các tác phẩm văn học sau này. Đó cũng là nguyên nhân giúp ông viết bài ký báo chí Hà Nội có cầu Long Biên rất hay và được trao giải Nhất ở năm thi đầu tiên của cuộc thi viết "Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" do báo Hà Nội mới tổ chức, kéo dài trong 10 năm. Ông còn được trao giải Nhì và một giải Nhất nữa trong cuộc thi này.
Kiều Sinh / Hà Nội mới
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuoi-tho-khang-chien-cua-nha-van-nguyen-bac-son-post1427796.html