Ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật công nghệ cao (CNC) trong trồng trọt, mang lại hiệu quả thiết thực.

 Trồng nhãn, mô hình kinh tế cho năng suất cao ở huyện Hòa Thành (Tây Ninh).

Trồng nhãn, mô hình kinh tế cho năng suất cao ở huyện Hòa Thành (Tây Ninh).

Ông Phan Văn Thà, ngụ tại thị trấn Tân Biên (Tân Biên, Tây Ninh) khởi nghiệp từ cây cao su, xen canh khoai mì (sắn), rồi mạnh dạn chuyển sang cánh đồng lớn chuyên canh trồng cây ăn trái. Hiện tại, gia đình ông sở hữu hơn 100ha đất trang trại với nguồn thu vài tỷ đồng mỗi năm. Cây trồng chủ yếu trong trang trại của ông là mít Thái siêu sớm, bưởi da xanh, mãng cầu... Theo lời ông Thà, nhiều năm trước, gia đình ông nuôi, trồng nhỏ lẻ với nông sản chính, gồm: Lúa, mía, khoai mì và cao su, lợi nhuận kinh tế mang lại quá thấp, thu không đủ bù chi. Đúng thời điểm đó, Tây Ninh có chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích các hộ dân mạnh dạn đầu tư canh tác nông sản chất lượng cao, gia đình ông quyết định chuyển sang trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng mã vùng để hướng tới cánh đồng mẫu lớn đạt chuẩn. Nhờ vậy, mấy năm gần đây, gia đình ông trở thành tỷ phú. Năm 2019, ông Thà được vinh danh nông dân xuất sắc Việt Nam.

Ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh) cũng là một nông dân điển hình trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện tại, ông Chiêu có 17ha mãng cầu được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, thu hút đông đảo thương lái tìm đến đặt hàng và đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường một số quốc gia trên thế giới

Đây chỉ là hai trong số khá nhiều trang trại ở Tây Ninh “phất” lên nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp CNC. Theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tây Ninh: Để xây dựng nền nông nghiệp CNC, phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân, ngành nông nghiệp Tây Ninh đã hướng dẫn các địa phương tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân, thu hút vốn đầu tư từ các nguồn lực kinh tế trong và ngoài tỉnh; liên kết giữa các khâu sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất khép kín để nâng cao giá trị nông sản và đầu tư thích đáng vào khâu tiêu thụ hàng hóa. Với quyết tâm đổi mới, phát triển nông nghiệp CNC, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện cơ chế mở cửa, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, chỉ trong vài năm, toàn tỉnh đã có hàng trăm dự án trồng rau xanh, dưa lưới, trái cây cao sản và nhà máy chế biến nông sản bằng công nghệ hiện đại.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn hiện có hơn 200ha đất trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn an toàn, 1.000ha trồng bưởi da xanh, hơn 380ha trồng chuối già hương xuất khẩu, cùng hàng trăm mô hình sản xuất rau sạch; nhiều địa phương có vùng chuyên canh trồng nhãn… Phương thức, mô hình sản xuất mới này thay thế các loại cây trồng truyền thống, năng suất thấp, thiếu bền vững trước đây. Đặc biệt, thời điểm đầu năm 2017, tỉnh Tây Ninh được Bộ NN&PTNT chọn thí điểm thực hiện phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng CNC, hội nhập thị trường quốc tế. Sự kiện này tạo cơ hội cho Tây Ninh mở rộng hợp tác, kêu gọi đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp CNC gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, tạo bước đột phá về kinh tế nông nghiệp. Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: "Nhờ chủ động và khuyến khích nông dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng nên thời điểm này, tỉnh đã chuyển đổi được hơn 10.000ha lúa, cao su, mía… sang trồng cây ăn quả, cây hoa màu năng suất cao; đồng thời, hình thành các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… Giá trị sản phẩm bình quân mỗi héc-ta đất trồng trọt dự kiến đến năm 2020 đạt 100 triệu đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2016. Sự chuyển mình này đánh dấu hướng đi năng động, đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả của ngành nông nghiệp Tây Ninh".

Hiện tại, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý phù hợp; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thống nhất triển khai mô hình sản xuất khép kín và truy xuất nguồn gốc; rà soát quỹ đất, đánh giá đúng tiềm năng và định hướng mô hình cây trồng thích hợp. Các ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tích cực làm trung gian kết nối cung-cầu, tạo thuận lợi và khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, đưa khoa học vào từng công đoạn sản xuất. Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, giai đoạn 2017-2020, tỉnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất 6 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến; giúp nông dân tiếp cận và áp dụng quy trình công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng sống của người dân toàn tỉnh.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ung-dung-cong-nghe-cao-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-607022