Ưu nhược điểm nổi bật của một hợp đồng li-xăng
Hợp đồng li-xăng là một phần doanh thu của bên giao li-xăng, đồng thời cũng là động lực công nghệ của bên nhận li-xăng. Tuy vậy, nếu không biết sử dụng đúng cách, hợp đồng li-xăng có thể là 'con dao hai lưỡi' đối với cả hai bên.
Ưu điểm của hợp đồng li-xăng đối với bên cấp li-xăng
Khi một công ty sở hữu quyền đối vớisáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc các loại tài sản trí tuệ khác nhưng không thể hoặc không muốn tiến hành sản xuất sản phẩm thì họ thường cấp li-xăng để có thể hưởng lợi từ những tài sản trí tuệ đó bằng cách dựa vào năng lực sản xuất tốt hơn, mạng lưới phân phối rộng hơn, am hiểu địa bàn và có chuyên môn quản lý tốt hơn của công ty khác (bên nhận li-xăng).
Ngoài ra, bên giao li-xăng có chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm có thể thấy việc cấp li- xăng sản phẩm mới có hiệu quả hơn so với việc tự mình sản xuất sản phẩm đó.
Thêm vào đó, việc cấp li-xăng có thể được sử dụng để tiếp cận những thị trường mới vốn không dễ dàng thâm nhập. Với những thị trường không thể thâm nhập bằng những biện pháp khác, việc cho phép bên nhận li-xăng quyền tiếp thị và phân phối sản phẩm có thể giúp bên cấp li-xăng có thể dễ dàng hơn trong việc thâm nhập vào thị trường.
Hợp đồng li-xăng có thể quy định những biện pháp để bên cấp li-xăng có được quyền đối với những cải tiến, bí quyết kỹ thuật và các sản phẩm có liên quan mà bên nhận li-xăng phát triển trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng. Tuy vậy, không phải lúc nào bên cấp li-xăng cũng có thể yêu cầu các quyền này và một số nước giới hạn chặt chẽ trong việc đưa các loại điều khoản này vào hợp đồng li-xăng.
Không chỉ thế, doanh nghiệp sở hữutài sản trí tuệ có thể biến những người xâm phạm hoặc đối thủ cạnh tranh thành đồng minh hoặc đối tác thông qua việc giải quyết tranh chấp bên ngoài tòa án và đồng ý tham gia hợp đồng li-xăng.
Thêm vào đó, nếu sản phẩm chỉ bán chạy nhất khi được bán kết hợp hoặc bán để sử dụng cùng với sản phẩm khác, hoặc nếu các tài sản trí tuệ (ví dụ như các sáng chế) được đồng sở hữu bởi các doanh nghiệp khác nhau, thì việc cấp li-xăng là cần thiết để hoạt động sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ được diễn ra một cách đồng thời và hiệu quả.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hợp đồng li-xăng cho phép bên giao li-xăng vừa giữ quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ và thu được lợi nhuận từ việc tự khai thác tài sản trí tuệ đó qua việc cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ, trong khi đó vẫn nhận được thù lao li-xăng.
Nhược điểm của hợp đồng li-xăng đối với bên cấp li-xăng
Tuy vậy, khi cấp li-xăng, bên giao li-xăng có thể đối mặt với một số vấn đề rủi ro. Chẳng hạn như bên nhận li-xăng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của bên cấp li-xăng. Bên nhận li-xăng có thể “thao túng” việc bán hàng của bên cấp li-xăng, làm cho bên cấp li-xăng thu được ít tiền thù lao hơn so với những thiệt hại trong kinh doanh do cạnh tranh với đối thủ mới. Bên nhận li-xăng có thể hoạt động có hiệu quả hơn và thâm nhập thị trường nhanh hơn bên cấp li-xăng do họ phải trả chi phí phát triển ít hơn hoặc do họ có năng lực sản xuất, kinh doanh tốt hơn.
Ngoài ra, bên nhận li-xăng có thể bất ngờ yêu cầu sự đóng góp, ví dụ về hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, dữ liệu kỹ thuật bổ sung... Tất cả những chi phí này có thể quá đắt đỏ đối với bên cấp li-xăng. Hợp đồng li-xăng phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, theo đó, bất kỳ sự bất đồng nào xảy ra trong tương lai đều có thể được giải quyết một cách nhanh chóng và có hiệu quả.
Nguồn thu của bên cấp li-xăng phụ thuộc vào kỹ năng, khả năng và nguồn lực của bên nhận li-xăng. Trong trường hợp li-xăng độc quyền, sự phụ thuộc này càng lớn hơn. Khi đó, nếu bên nhận li-xăng hoạt động kinh doanh không có hiệu quả có nghĩa là bên cấp li-xăng không có nguồn thu. Trong hợp đồng có thể có các điều khoản thỏa thuận về mức thù lao tối thiểu và các điều khoản khác nhằm tránh việc này, tuy vậy đây vẫn là một nguy cơ đáng lo ngại.
Thêm vào đó, khi sản phẩm hoặc công nghệ không được xác định một cách rõ ràng hoặc chưa được hoàn thiện, hợp đồng li-xăng có thể gây bất lợi cho bên cấp li-xăng. Trong trường hợp này, bên cấp li-xăng có thể được yêu cầu tiếp tục công việc phát triển với chi phí cao hơn để thỏa mãn yêu cầu của bên nhận li-xăng.
Ưu điểm của việc li-xăng đối với bên nhận li-xăng
Hợp đồng li-xăng có thể giúp bên nhận li-xăng tăng doanh thu và lợi nhuận, cũng như mở rộng thị phần qua nhiều cách.
Nhờ hợp đồng li-xăng, doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm mới ra thị trường một cách nhanh chóng hơn. Hợp đồng li-xăng cho phép bên nhận li-xăng tiếp cận công nghệ đã được phát triển hoặc áp dụng những công nghệ đó vào sản xuất hoặc dịch vụ. Điều này có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, với những doanh nghiệp nhỏ không có nguồn lực để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển cần thiết để có thể cung cấp các sản phẩm mới và chất lượng cao hơn, hợp đồng li-xăng cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mà doanh nghiệp rất khó có thể đạt được bằng các biện pháp khác.
Li-xăng có thể cũng là một phương pháp cần thiết để duy trì và phát triển vị thế thị trường đã được tạo dựng nhưng lại bị đe dọa khi trên thị trường xuất hiện những kiểu dáng hoặc phương pháp sản xuất mới. Việc chi trả các chi phí cho những hoạt động và các xu hướng mới có thể là một thách thức cho doanh nghiệp. Và việc tiếp cận công nghệ mới thông qua hợp đồng li-xăng là cách tốt nhất giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức này.
Khi doanh nghiệp kết hợp công nghệ hiện có của công ty và li-xăng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và thị trường mới, doanh nghiệp có thể có thêm nhiều cơ hội mới.
Nhược điểm của việc li-xăng đối với bên nhận li-xăng
Khi nhận li-xăng, bên nhận li-xăng có thể sẽ phải đưa ra cam kết về tài chính đối với công nghệ “chưa sẵn sàng” cho việc khai thác thương mại, hoặc cần phải chỉnh sửa công nghệ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Thêm vào đó, hợp đồng li-xăng sở hữu trí tuệ có thể làm phát sinh thêm chi phí đối với sản phẩm, trong khi thị trường của sản phẩm đó không chấp nhận được mức giá tăng thêm. Việc bổ sung công nghệ mới chỉ có thể tốt cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp bỏ ra mức chi phí mà thị trường chấp nhận được. Khi được tích hợp công nghệ mới, nhiều sản phẩm được tạo ra sẽ có hàm lượng công nghệ cao nhưng lại rất đắt đỏ khi tung ra thị trường.
Ngoài ra, việc nhận li-xăng có thể khiến doanh nghiệp phụ thuộc công nghệ vào bên cung cấp. Trong khi đó, bên giao hợp đồng có thể sẽ không gia hạn hợp đồng li-xăng cho bên nhận li-xăng. Đồng thời, bên giao li-xăng cũng có thể đàm phán hợp đồng li-xăng với những đối thủ cạnh tranh khác của bên nhận li-xăng nhằm giới hạn thị trường sử dụng công nghệ hoặc để hạn chế hoạt động khai thác được phép theo hợp đồng li-xăng của bên nhận li-xăng.
Hoạt động li-xăng sở hữu trí tuệ có thể làm phát sinh vấn đề cho cả bên cấp và bên nhận li xăng nếu các cơ quan quản lý nhà nước coi đó là vấn đề phản cạnh tranh hoặc có tính chất thông đồng. Rõ ràng là việc li-xăng rất phức tạp và nếu các điều khoản không được bộ phận pháp lý nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng thì có thể sẽ gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị trước và có sự tư vấn pháp lý thì việc li-xăng sở hữu trí tuệ lại trở thành công cụ kinh doanh cần thiết và có lợi cho cả hai bên.