Vai trò của phụ nữ với bảo tồn văn hóa truyền thống tiến tới tự chủ kinh tế

Ngày nay, việc bảo tồn gìn giữ văn hóa truyền thống nói chung, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng đầu tư. Nhờ đó, ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, người dân đã quan tâm thực hiện việc bảo tồn và gắn với phát triển kinh tế, điển hình là ở xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai).

 Phụ nữ người Mông ở Tả Phìn tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để ứng dụng phát triển du lịch

Phụ nữ người Mông ở Tả Phìn tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để ứng dụng phát triển du lịch

Việc phát triển kinh tế du lịch ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai ngày nay khá phổ biến ở cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc Mông và dân tộc Dao. Trong đó, phải kể đến việc chị em chủ động thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa như dệt thổ cẩm, gắn với phát triển kinh tế dịch vụ hàng hóa trong môi trường du lịch, tạo ra sự bền vững, đem lại lợi ích cho chị em.

Xã Tả Phìn có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đông nhất là người dân tộc Mông và dân tộc Dao. Quá trình sinh sống và lao động sản xuất, người dân tộc Mông, dân tộc Dao ở Tả Phìn đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm nét văn hóa tộc người rất riêng biệt.

Trong đó, nổi bật nhất là nghề dệt thổ cẩm- vốn gắn bó mật thiết trong đời sống của cộng đồng người Dao, người Mông ở Tả Phìn. Với lối sống khép kín, mang nặng tính tự cung, tự cấp nên phụ nữ Mông, Dao luôn phải biết và thành thạo nghề thổ cẩm, để lo may mặc quần áo, trang phục cho các thành viên trong gia đình.

Phụ nữ người Dao ở Tả Phìn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch ở địa phương

Phụ nữ người Dao ở Tả Phìn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch ở địa phương

Quá trình phát triển của xã hội kể từ khi mở cửa, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vào thập niên 90 của Thế kỷ 20, các loại hàng hóa, vải vóc, quần áo may sẵn được lưu thông khắp mọi miền đất nước.

Điều này đã dẫn đến sự mai một của nghề dệt thổ cẩm truyền thống các dân tộc thiểu số trên nhiều địa phương. Và cộng đồng người Mông, người Dao ở Tả Phìn cũng không tránh khỏi xu hướng mai một nghề thổ cẩm truyền thống.

Bảo tồn để phát triển nghề thổ cẩm

Từ đầu những năm 2000, khi du lịch ở Lào Cai có sự phát triển mang tính bùng nổ. Lượng du khách trong và ngoài nước tăng mạnh đã đem lại cơ hội cho việc phục dựng, bảo tồn và phát huy nghề thổ cẩm truyền thống một cách mạnh mẽ.

Từ đầu những năm 2000, phụ nữ người Mông, người Dao ở Tả Phìn đã tham gia vào các Câu lạc bộ sản xuất hàng thổ cẩm lưu niệm, do các Công ty nước ngoài đặt hàng, thông qua các quỹ phát triển cộng đồng hoạt động tại Việt Nam. Từ đây, họ đã tiếp cận với thị trường hàng hóa dựa trên các sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, thời điểm này, chị em chủ yếu sản xuất kiểu gia công cho đơn hàng là chính.

Sau này, mô hình sản xuất hàng hóa thổ cẩm theo kiểu gia công đã không còn phù hợp, hiệu quả kinh tế thấp. Lúc này, Hội LHPN xã Tả Phìn đã tổ chức lại hoạt động của Câu lạc bộ thổ cẩm sang mô hình Hợp tác xã thổ cẩm, với hơn 120 thành viên là phụ nữ người Mông, người Dao trong xã tham gia.

Nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng cũng có những thay đổi, các sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống của tộc người được ưa chuộng hơn các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng.

Các hội viên HTX thổ cẩm Tả Phìn đã tích cực tổ chức nghiên cứu, phục dựng lại những mẫu mã, hoa văn truyền thống để đưa vào sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Một phụ nữ dân tộc Mông thực hiện kỹ thuật vẽ sáp ong trên thổ cẩm

Một phụ nữ dân tộc Mông thực hiện kỹ thuật vẽ sáp ong trên thổ cẩm

Nhiều nét hoa văn truyền thống như hoa văn quả trám, hoa văn cây thông, ve sầu… được chị em tái hiện một cách thuần thục trên từng sản phẩm, đặc biệt là kỹ thuật vẽ sáp ong, được chị em người Mông làm phổ biến trên các sản phẩm.

Việc sản xuất thổ cẩm ở Tả Phìn đã trở thành một trong những ngành hàng phát triển kinh tế quan trọng ở nhiều gia đình, trong đó, người phụ nữ luôn giữ vai trò chủ động. Từ việc vay vốn để sản xuất, đến việc tiếp cận thị trường tiêu thụ.

Thời điểm xảy ra đại dịch, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, các thành viên trong HTX đã chuyển sang bán hàng online thông qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, Tik Tok, rất hiệu quả, thể hiện sự năng động và tự chủ của mỗi thành viên.

Cho đến nay, sản xuất hàng hóa thổ cẩm đã giúp mỗi thành viên trong HTX có mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Các bé gái người Dao đỏ ở Tả Phìn cũng tham gia học chữ Nôm Dao để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình

Các bé gái người Dao đỏ ở Tả Phìn cũng tham gia học chữ Nôm Dao để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình

Phụ nữ người Mông, người Dao ở Tả Phìn đã chủ động kết hợp việc phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế hàng hóa, để văn hóa thổ cẩm trở thành một ngành hàng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi gia đình. Nhờ đó, vai trò tự chủ về kinh tế của mỗi chị em cũng ngày càng được nâng cao hơn.

Những thành quả phụ nữ người Mông, người Dao ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đạt được trong thời gian qua, rất xứng đáng trở thành những mô hình mẫu để áp dụng ở nhiều địa phương khác trên cả nước, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và là một kênh để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vai-tro-cua-phu-nu-voi-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-tien-toi-tu-chu-kinh-te-20240614141020562.htm