Vì sao doanh nghiệp Mỹ chọn Ấn Độ và Việt Nam?
Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường OnePoll (Anh) cho thấy, doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng coi Trung Quốc là một thị trường rủi ro cho chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Ấn Độ và Việt Nam là hai địa điểm được các doanh nghiệp yêu thích.
Ấn Độ là chiến lược đầu tư dài hạn
Có tới 61% trong số 500 nhà quản lý cấp điều hành của Mỹ tham gia khảo của OnePoll cho biết, họ sẽ chọn Ấn Độ thay vì Trung Quốc nếu cả hai nước có thể sản xuất cùng một loại nguyên liệu. Trong 5 năm tới, 56% số người được hỏi chọn Ấn Độ làm nơi đáp ứng nhu cầu chuỗi cung ứng.
Cuộc khảo sát cho thấy, 59% số người được hỏi cho rằng, việc mua nguyên liệu từ Trung Quốc là “hơi rủi ro” hoặc “rất rủi ro”.
Samir Kapadia, Giám đốc điều hành của India Index nhận định: “Các doanh nghiệp Mỹ đang coi Ấn Độ là một chiến lược đầu tư dài hạn chứ không phải là một con đường ngắn hạn để tránh thuế quan”.
Mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Ấn Độ là một trong những lý do khiến các công ty Mỹ đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và New Delhi là một lựa chọn hấp dẫn.
Mối quan hệ giữa hai nước bước sang một chương mới với chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi tới Nhà Trắng vào tháng 6/2023. Trong chuyến thăm, một loạt thỏa thuận về hợp tác lớn trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng được ký kết.
Thời điểm đó, tại cuộc gặp Thủ tướng Modi, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Amazon Andy Jassy cho biết, công ty sẽ đầu tư thêm 15 tỷ USD ở Ấn Độ. Theo ông Jassy, khoản đầu tư trên sẽ nâng tổng đầu tư của Amazon tại Ấn Độ lên 26 tỷ USD vào năm 2030.
Tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla cũng tiết lộ ông đã nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Modi về khả năng xây dựng nhà máy xe điện Tesla tại Ấn Độ trong tương lai gần.
Nhà sáng lập Tesla nhận định: "Ấn Độ có tiềm năng để phát triển năng lượng bền vững, bao gồm năng lượng mặt trời, bộ pin cố định và xe điện. Tôi hy vọng sẽ mang dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của Tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX đến nước này".
Không chỉ có tiềm năng từ thị trường tỷ dân, Ấn Độ còn đang nổi lên nhờ việc đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao và nhờ đó trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp quốc tế.
Việt Nam - lựa chọn tiếp theo
Tương tự như Ấn Độ, Việt Nam cũng là lựa chọn của các nhà đầu tư khi áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1". Nhiều doanh nghiệp Mỹ chỉ hoạt động ở một địa điểm ở châu Á và chủ yếu là ở Trung Quốc hiện đang tìm kiếm để phát triển một địa điểm thứ hai bên ngoài quốc gia này. Trong ASEAN, Việt Nam đang được xem là điểm đến phù hợp với vị trí địa lý sát cạnh Trung Quốc.
Tờ SCMP cũng cho rằng, Việt Nam thường là lựa chọn đầu tiên khi các nhà sản xuất Trung Quốc cân nhắc dịch chuyển hoạt động ra nước ngoài. Bởi đất nước hình chữ S có dân số lao động lớn và dễ dàng tiếp cận với các thị trường phát triển trên thế giới.
Ông Yan Shaohua, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Fudan nhận định, doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đang chịu áp lực khi khách hàng Mỹ đã chuyển một số đơn hàng và quan hệ đối tác khỏi đất nước. Đây là một biện pháp phòng ngừa rủi ro liên quan tới chiến tranh thương mại.
“Dịch chuyển sang Việt Nam hoặc một quốc gia khác trong ASEAN có thể trở thành việc không thể tránh khỏi”, ông Yan nhận định.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã bước sang năm thứ 6 và Washington siết chặt kiểm soát nguồn gốc sản xuất của hàng hóa, nhiều doanh nghiệp Mỹ không còn xem việc dịch chuyển là một lựa chọn nữa, mà là điều bắt buộc.
Đặc biệt, Việt Nam và Mỹ đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Giới chuyên gia nhận định, động thái biểu tượng này vô cùng quan trọng giúp củng cố niềm tin giữa hai nước. Washington hiện đang tăng cường đẩy cao tham vọng phát triển một số ngành công nghệ quan trọng, ví như sản xuất chip.
Rủi ro vẫn còn
Theo khảo sát, các doanh nghiệp Mỹ vẫn thận trọng với năng lực chuỗi cung ứng của Ấn Độ.
Cuộc khảo sát của OnePoll cho thấy, 55% số người được hỏi cho rằng, đảm bảo chất lượng là “rủi ro trung bình” mà họ có thể gặp phải nếu có nhà máy ở Ấn Độ.
Vào tháng 9/2023, nhà cung cấp Pegatron của Apple đã phải tạm thời ngừng hoạt động tại nhà máy của họ ở khu vực Chengalpattu, Ấn Độ, sau khi một đám cháy bùng phát.
Rủi ro giao hàng (48%) và trộm cắp IP (48%) cũng là mối lo ngại đối với các công ty Mỹ nếu kinh doanh tại đất nước của Thủ tướng Narendra Modi.
Amitendu Palit, chuyên gia nghiên cứu cấp cao và trưởng nhóm nghiên cứu về thương mại và kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nam Á cũng nhận thấy, việc chuyển hoàn toàn chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc là không thể.
Đồng quan điểm, ông Kapadia nói: “Thực tế là Trung Quốc sẽ luôn là nền tảng trong chiến lược chuỗi cung ứng của Mỹ”.
Còn tại thị trường Việt Nam, ông Kapadia nhận thấy, Ấn Độ có khả năng tiếp cận một lượng khách hàng rất lớn mà Việt Nam không có.
Chiến lược gia toàn cầu tại ngân hàng Rabobank Michael Every thì cho rằng, nhìn từ góc độ công nghiệp, Việt Nam đã phát triển bùng nổ suốt nhiều năm. Mức lương người lao động thấp và lực lượng dân số trẻ đã giúp Việt Nam có nguồn cung lao động và thị trường tiêu dùng ổn định.
Tuy nhiên ông Michael Every, những doanh nghiệp đang hy vọng vào việc dịch chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam có thể sẽ cần phải chờ thêm thời gian, bởi một số nhà máy hiện đã quá tải.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-sao-doanh-nghiep-my-chon-an-do-va-viet-nam-258657.html