Việt Nam có nhiều lợi thế trong ngành công nghiệp bán dẫn

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cụ thể hóa hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn với một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội thiết bị và bán dẫn toàn cầu cho biết: “Tôi thấy rằng Việt Nam là một nước đang phát triển về mảng lắp ráp điện. Và bây giờ chúng ta có thể thấy nguồn đầu tư đang được đổ vào các khu vực liên kết bán dẫn. Lợi thế của Việt Nam chính là vị trí địa lý cũng như nguồn nhân lực kỹ sư trẻ dồi dào, có học thức để có thể hỗ trợ sự phát triển của ngành bán dẫn”.

Ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng với doanh thu hàng trăm tỷ USD và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây, công nghiệp bán dẫn và vi mạch chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh và xu thế phát triển của giai đoạn mới, Việt Nam cũng đang sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Nguyễn Đức Long - Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh về công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, bán dẫn chỉ là một trong số đó. Do đó, Việt Nam sẽ cần có nhiều sự chuẩn bị, đặc biệt là chuẩn bị nguồn nhân lực đầy đủ để cung cấp cho các công ty sẽ đầu tư vào Việt Nam, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và các chính sách”.

Theo ước tính, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,12% từ năm 2022 đến năm 2027. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình sản xuất bán dẫn và vi mạch toàn cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/viet-nam-co-nhieu-loi-the-trong-nganh-cong-nghiep-ban-dan-276825.htm