Xã Hòa Ân: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động Khmer

Xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè có trên 75% đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2023, Hòa Ân tập trung xây dựng và phấn đấu hoàn thành xã NTM nâng cao; trong công tác giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, xã tập trung triển khai các lớp đào tạo nghề ngắn hạn gắn với các nguồn hỗ trợ vốn trong sản xuất.

Anh Lưu Khoan cùng các học viên được giáo viên hướng dẫn về kỹ năng làm tóc tại lớp đào tạo nghề tóc chuyên nghiệp do Hội LHPN huyện Cầu Kè phối hợp với Công ty L'Oreal Việt Nam tổ chức.

Anh Lưu Khoan cùng các học viên được giáo viên hướng dẫn về kỹ năng làm tóc tại lớp đào tạo nghề tóc chuyên nghiệp do Hội LHPN huyện Cầu Kè phối hợp với Công ty L'Oreal Việt Nam tổ chức.

Đồng chí Đỗ Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Ân cho biết: năm 2023, xã được huyện hỗ trợ tổ chức 02 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về sửa xe gắn máy và kỹ thuật xây dựng cho 60 lao động dân tộc Khmer. Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Kè tổ chức 01 lớp đào tạo nghề tóc chuyên nghiệp.

Bên cạnh công tác đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, thông qua các nguồn vốn vay ủy thác và vốn hỗ trợ phát triển kinh tế từ nguồn vốn XDNTM, xã có 13 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo được đầu tư gần 200 triệu đồng để nuôi bò thịt.

Thông qua chương trình đào tạo nghề nông thôn, nhiều xã có đông đồng bào Khmer đã giải quyết rất lớn số lao động nông thôn được tiếp cận nghề để phục vụ trong phát triển kinh tế gia đình; nắm bắt tiến bộ kỹ thuật và vận dụng vào trong thực tiễn của cuộc sống.

Anh Thạch Thông, một học viên tham gia lớp đào tạo nghề tóc chuyên nghiệp do Hội LHPN huyện Cầu Kè phối hợp với Công ty L'Oreal Việt Nam tổ chức dạy tại xã Hòa Ân, cho biết: trước đây, bản thân chỉ biết làm nông và chăn nuôi; thấy địa phương triển khai lớp dạy về đào tạo nghề tóc khá phù hợp với nhu cầu của bản thân, nên tham gia đăng ký học. Với nghề này, bản thân cố gắng học hoàn thành khóa đào tạo, sau đó tham gia đi phụ làm cho các cơ sở, tiệm tóc để nâng cao tay nghề và khi có điều kiện về gia đình mở tiệm tại nhà.

Song song đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, có chương trình đào tạo nghề nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh. Riêng địa bàn xã Hòa Ân, có 60 học viên tham gia lớp nghề sửa xe gắn máy và kỹ thuật xây dựng tại ấp Trà Kháo. Các học viên tham gia lớp học chủ yếu vào buổi tối, sau thời gian lao động. Nhìn chung, các học viên rất phấn khởi và tích cực, tranh thủ sắp xếp việc nhà để tham gia lớp học nghề.

Anh Lưu Khoan, ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân là một trong 30 học viên tham gia lớp sửa xe gắn máy do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè tổ chức; cho biết: khi đến với lớp học nghề này, bản thân đang làm nghề sửa xe đạp và rửa xe tại nhà. Tham gia lớp học, giúp tôi có thêm nghề sửa xe gắn máy để tiện cho việc sửa chữa xe tại nhà và giúp cải thiện thu nhập cho gia đình.

Cũng theo anh Lưu Khoan, tôi tham gia học từ tháng 6/2023 đến nay, dự kiến lớp học sẽ kết thúc vào tháng 11/2023 và tổ chức thi tay nghề. Thời gian học khá phù hợp cho người lao động ở nông thôn, ban ngày thì ở nhà làm công việc sửa xe hay lo công việc đồng áng; từ 18 giờ đến 20 giờ 30 thì tham gia lớp học về sửa xe gắn máy được tổ chức dạy tại Trụ sở Ban Nhân dân ấp.

Cũng theo đồng chí Đỗ Thị Tuyết Hạnh, trong tập trung giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động dân tộc Khmer; ngoài các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, chăn nuôi cho hộ Khmer trong việc tận dụng các điều kiện sẵn có trong gia đình để tham gia, như nuôi bò, gà, vịt hay tận dụng các diện tích đất giồng cát, đất giồng tạp xung quanh nhà để trồng gấc… xã còn vận động các người đủ điều kiện tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài (trong 09 tháng năm 2023, có 08 lao động đi làm việc nước ngoài), đồng thời địa phương cũng giới thiệu, tạo việc làm mới cho 275 lao động.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doi-song-xa-hoi/xa-hoa-an-dao-tao-nghe-va-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-khmer-33070.html