Xác định rõ tồn tại, yếu kém của đầu tư công

Phát biểu tại Phiên thảo luận tổ sáng 22.10, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan để có được kết quả, thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2022. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, cần phải đánh giá kỹ và xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém hiện nay của đầu tư công. Tồn tại nào do cơ chế, chính sách và tồn tại nào do quá trình tổ chức thực hiện...

Bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí cho rằng,không thể chủ quan do thế giới đang biến động hết sức phức tạp, trong khi nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài còn hạn chế, sự gia tăng giá cả, hàng hóa, xăng dầu, vật tư, nguyên liệu... thiết yếu của sản xuất và đời sống; nguy cơ lạm phát tăng cao. Đại biểu cũng chỉ rõ: kết quả đạt được của năm 2022, trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội được so sánh trên nền năm 2021 đạt thấp.Nội tại kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều vấn đề tồn đọng cần phải tập trung giải quyết. Chưa kể phải đồng thời ứng phó với nguy cơ dịch bệnh tái phát và thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra.

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22.10

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22.10

Chỉ rõ thực trạng trên, theo đại biểu, để đất nước ổn định phát triển, cần quan tâm đến một số vấn đề như sau. Thứ nhất, cần phải sớm tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn hiện nay của doanh nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, để giữ vững sự phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh đối với số doanh nghiệp đã và đang tồn tại, hạn chế thấp nhất số doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản đang có xu thế gia tăng; nhất là khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, vốn... Đây là thành tố quan trọng và chủ yếu giúp ổn định nền kinh tế. Đồng thời, phải kiểm soát cho được lạm phát.

Thứ hai, phải đánh giá kỹ và xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém hiện nay của đầu tư công. Tồn tại nào do cơ chế, chính sách và tồn tại nào do quá trình tổ chức thực hiện. Theo đại biểu, có nhiều tồn tại hạn chế xảy ra từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục. Lỗi không hoàn toàn do cơ chế mà chủ yếu chính là ở khâu tổ chức thực hiện. Tại sao cùng một cơ chế, chính sách, cùng một thời điểm nhưng nhiều địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 70%; trong khi nhiều cơ quan trung ương, địa phương đạt dưới 20%; thậm chí số vốn đã được ghi kế hoạch nhưng các cơ quan trung ương và địa phương trả lại ngân sách là khá lớn. Đề nghị, Chính phủ cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn và có các biện pháp có hiệu quả để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp... Đồng thời, đổi mới một cách căn cơ công tác đầu tư công (cả về thể chế và cách vận hành) để khắc phục triệt để các tồn tại lặp đi, lặp lại nhiều năm.

Thứ ba, sớm chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong quản lý thu chi ngân sách nhà nước từ công tác lập dự toán thu đến việc thực hiện chi ngân sách nhà nước; sớm khắc phục các tồn tại hiện nay để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch 2023.

Thứ tư, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra ở hết các cơ sở y tế công, việc BHYT chậm thanh toán kinh phí chi khám, chữa bệnh kéo dài, tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế chuyển việc hoặc nghỉ việc có xu hướng gia tăng và khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính... là những áp lực rất lớn và rất khó khăn đối với các cơ sở y tế công lập đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân tham gia BHYT là vấn đề đáng quan ngại hiện nay.

Theo đại biểu, thời gian qua, mặc dù Chính phủ, Bộ Y tế đã có một số động thái để tháo gỡ nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến tích cực và chưa khắc phục được những vấn đề trên. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có các biện pháp hữu hiệu để ổn định ngành y tế, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân và bảo đảm công bằng cho người tham gia BHYT. Tình tình này kéo dài sẽ có tác động lớn đến việc vận động toàn dân tham gia BHYT.

Thứ năm, trong lĩnh vực giáo dục việc thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được khắc phục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học chưa đầy đủ, đồng bộ. Chất lượng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế như: sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn có ý kiến phản ánh một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ chưa phù hợp với vùng miền, từ ngữ mang tính địa phương, một số đoạn văn, bài thơ, thông tin trong môn học chưa cụ thể, gần gũi với học sinh. Công tác phát hành sách còn bất cập, ấy khó khăn cho phụ huynh học sinh. Mua sách giáo khoa phải kèm theo sách tham khảo gây tốn kém, việc chọn sách giáo khoa thuộc nhiều bộ môn khác nhau buộc phải mua ở nhiều địa chỉ. Tình trạng lạm thu một số quỹ phụ huynh học sinh đầu năm gây gánh nặng lớn đối với gia đình khó khăn. Việc thường xuyên thay đổi hình thức thi tuyển các cấp học, gây nhiều lúng túng cho phụ huynh và học sinh. Cùng với đó, giờ vào lớp học của học sinh không hợp lý cũng gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.

“Đây là những vấn đề cần được quan quan tâm đúng mức. Nước ta đã thực hiện cải cách giáo dục trong nhiều năm nhưng qua cải cách cho thấy, nền giáo dục nước nhà thiếu tính ổn định, thay đổi liên tục; càng thay đổi, càng bộc lộ nhiều cập, gây bất an cho xã hội, gây nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý, thể chất của học sinh” - đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí nhấn mạnh

"Chính phủ cần đánh giá một khách khách quan, toàn diện về việc cải cách sách giáo khoa phổ thông; phương thức thi cử các cấp học; giờ giấc học tập; chương trình học cho phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý, phát triển thể lực của từng lứa tuổi học sinh ở từng cấp học; bảo đảm nền giáo dục nước nhà ổn định và theo kịp với những tiến bộ của giáo dục các nước tiên tiến" - đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị.

Xuân Tùng lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/xac-dinh-ro-ton-tai-yeu-kem-cua-dau-tu-cong-i304500/