Xây dựng và phát triển hạ tầng số

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong trong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Đây là nền tảng giúp đất nước đổi mới căn bản và toàn diện các hoạt động từ quản lý của Chính phủ đến phương thức kinh doanh của DN. Phát triển kinh tế số không chỉ giúp người dân giàu có hơn mà còn góp phần quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về thu nhập cao vào năm 2045.

Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030, Việt Nam đặt ra những kỳ vọng lớn trong việc phát triển nền kinh tế dựa trên yếu tố công nghệ và dữ liệu số.

Để chuyển đổi số hiệu quả, xây dựng và phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ đầu tiên. Theo đó, việc đầu tư, triển khai và nâng cấp các công nghệ, mở rộng, số hóa các dịch vụ được xem là giải pháp lõi.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, việc phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng đối với Việt Nam.

Nội dung này bao gồm xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT)…

Việc triển khai mạng 5G tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp mũi nhọn như sản xuất, logistics và Thành phố thông minh phát triển mạnh mẽ. 5G không chỉ là cơ hội để các nhà mạng viễn thông nâng cao hiệu suất và doanh thu mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho nhiều ngành công nghiệp khác. Thành phố thông minh, tự động hóa trong sản xuất, hay việc tối ưu hóa trong quản lý tài nguyên là những ví dụ rõ ràng cho thấy lợi ích mà 5G mang lại.

Ngoài ra, muốn chuyển đổi số hiệu quả, cần phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội; tập trung xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và xã hội; lựa chọn ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo, thực tế tăng cường…

Có thể thấy, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề ở cấp quốc gia, mà còn là nhiệm vụ sống còn đối với mỗi DN. Mục tiêu của chuyển đổi số là giúp DN tăng hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó phát triển kinh tế số, tạo ra những giá trị mới và bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới đầy tiềm năng, khi kinh tế số được xem là động lực quan trọng giúp đất nước phát triển bền vững. Không chỉ có công nghệ, nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của chuyển đổi số.

Vì thế, đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động là yếu tố không thể thiếu. Quá trình chuyển đổi số phải đi đôi với giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dùng cuối. Điều này giúp họ hiểu và khai thác hiệu quả các công nghệ mới, đồng thời tạo ra một môi trường số an toàn và nhân văn hơn.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-va-phat-trien-ha-tang-so.html