Bảo vật vô giá của ngôi chùa vừa cháy lớn ở Phú Thọ

Không chỉ nổi tiếng gần xa nhờ lịch sử lâu đời và nét kiến trúc cổ kính, chùa Phổ Quang còn được biết đến là nơi lưu giữ một hiện vật lịch sử có giá trị đặc biệt.

Ngày 23/10/2024, một đám cháy bất ngờ bùng phát tại chùa Phổ Quang (còn gọi là chùa Xuân Lũng) ở xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Sau khi lực lượng chức năng dập tắt ngọn lửa, toàn bộ phần gỗ, mái ngói âm, hệ thống điện của Tam bảo chùa bị cháy hỏng, các pho tượng bằng đất và bằng gỗ trong tòa Tam Bảo bị nhiệt tác động hư hại, tổng giá trị vật chất thiệt hại sơ bộ khoảng 25 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau vụ cháy, Bảo vật Quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá (Bệ đá hoa sen) – một hiện vật lịch sử quý giá được lưu giữ ở chùa Phổ Quang – bị vỡ hai góc cánh hoa sen tầng thứ 5 và một góc cánh hoa sen tầng thứ 4.

Bề dày lịch sử - văn hóa của ngôi chùa 800 tuổi

Theo tài liệu “Kỷ yếu Di tích lịch sử văn hóa Lễ hội truyền thống tiêu biểu huyện Lâm Thao năm 2019”, chùa Phổ Quang có tên chữ là Phổ Quang tự, tọa lạc trên một gò đất thuộc xóm Chùa, xã Xuân Lũng. Chùa được xây dựng vào đầu thời Trần, cách đây khoảng 800 năm. Di tích đã trải qua nhiều lần tu sửa, lần tu sửa lớn nhất vào đầu thế kỷ 17.

Lịch sử của chùa Phổ Quang được ghi lại qua hai tấm bia đá cổ quý giá mà chùa còn lưu giữ. Sách “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam” (Hà Nội, 1993) đã tóm lược nội dung khắc trên hai tấm bia này. Theo đó, một tấm bia tạo năm 1628 cho biết chùa là ngôi cổ tự danh lam bị hư hỏng, vào năm 1626, các vị Tín quan, Phú Xuyên hầu Nguyễn Hiếu Dũng, Sĩ Phủ Nguyễn Văn Vị cùng khoảng 70 vị hội chủ hưng công đã tổ chức trùng tu các tòa thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tam quan… Một tấm bia tạo năm 1634, có khắc bài thơ Đường luật 8 câu của danh sĩ Phạm Sư Mạnh năm 1377 nói việc đi kinh lý ở vùng này.

 Tam quan – Gác chuông của chùa Phổ Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Huyện Lâm Thao.

Tam quan – Gác chuông của chùa Phổ Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Huyện Lâm Thao.

Về kiến trúc, mặt bằng tổng thể của chùa Phổ Quang gồm: Tam quan - gác chuông, nhà bia, tòa Tam bảo. Công trình kiến trúc tiêu biểu trong di tích chùa Phổ Quang là Tam quan - Gác chuông. Đây là một trong số ít những Tam quan - Gác chuông còn bảo lưu được kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Công trình được xây với hệ mái chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình Long cuốn thủy. Thượng lương khắc hàng chữ Hán: “Hoàng triệu Minh Mạng nhị thập niên” (tức Minh Mạng năm thứ 12 - năm 1839), các đầu được chạm khắc hình hoa sen. Trên gác chuông treo quả chuông đồng “Phổ Quang tự chung” và khánh đồng đều có niên đại đúc năm Minh Mạng nhị thập niên - năm 1839.

 Tòa Tam bảo của chùa Phổ Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Huyện Lâm Thao.

Tòa Tam bảo của chùa Phổ Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Huyện Lâm Thao.

Tòa Tam bảo của chùa Phổ Quang được xây theo kiểu chữ “Công” (工), gồm: Bái đường, Thiêu hương và Chính điện. Các công trình này có bộ khung kết cấu gỗ với các bộ vì nóc làm theo kiểu “Thượng giá chiêng, chồng rường - hạ kẻ”. Trong tòa Tam bảo lưu giữ được hàng chục pho tượng chất liệu gỗ và đất nung, được bài trí trên bệ xây.

Chùa Phổ Quang có bốn ngày lễ chính: Rằm tháng giêng, ngày 8/4 (lễ tắm Phật), rằm tháng 7 (lễ xóa tội vong nhân) và ngày 8/12 âm lịch. Ngôi chùa có tuổi đời 800 năm này đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1980.

Bảo vật quốc gia độc đáo, đẹp hoàn mỹ

Không chỉ nổi tiếng gần xa nhờ truyền thống lịch sử lâu đời và nét kiến trúc cổ kính, chùa Phổ Quang còn được biết đến như nơi lưu giữ một hiện vật lịch sử có giá trị đặc biệt. Đó là một bàn thờ Phật bằng đá được đặt trong chính điện của ngôi chùa.

Theo sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tỉnh Phú Thọ, bàn thờ Phật bằng đá là hiện vật đã gắn với lịch sử của chùa Phổ Quang từ cuối thế kỷ 14. Đây là vật phẩm do Sử Đài Điển ngự thư Đô chính thủ Nguyễn Lạp, tên tự Đạo Không cư sĩ, cùng Thái học Điển trù Tiểu chi hầu Nguyễn Chiêu, tự là Ngộ Không cư sĩ và vợ là Nguyễn Thị Sửu, tên tự là Bà Công Tín cung tiến, hoàn công vào ngày 12 tháng 2 năm Đinh Mão, niên hiệu Xương Phù năm thứ 10 (1387).

 Bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Huyện Lâm Thao.

Bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Huyện Lâm Thao.

Bàn thờ Phật bằng đá là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thể hiện kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật chạm khắc đá độc đáo của nghệ nhân dân gian. Hiện vật có kết cấu 5 tầng được lắp ghép từ nhiều phiến đá theo hình chữ Công tạo nên sự liên kết vững chãi. Từ loại chất liệu đá xanh nặng nề, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã để lại cho đời cổ vật độc đáo, thành công kỳ diệu cả về kỹ thuật, mỹ thuật và cả sự triết lý tư tưởng: Thực và phi hiện thực “Cá hóa rồng”, “Độc long”, “Sư tử vờn hoa”…, đặc biệt là hình tượng con rồng với đặc điểm độc đáo của nghệ thuật thời Trần với đề tài “Cá hóa rồng”.Đây cũng là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng “Sư tử hí cầu” và “Cá hóa rồng” trong mỹ thuật cổ.

Đến nay, chưa từng phát hiện thêm hiện vật thứ hai có cùng niên đại gắn với các đồ án chạm khắc trang trí kể trên. Đồng thời, hiện vật đã thể hiện sự kết hợp hài hòa trong nghệ thuật chạm khắc cổ với những họa tiết hoa văn trang trí gắn với thế giới Phật giáo để mô tả hình ảnh cuộc sống cư dân miền trung du, Tây Bắc Việt Nam. Điển hình là hình ảnh hươu cặp hoa hải đường– một khung cảnh vừa sinh động vừa linh thiêng nơi cửa Phật, vừa phản ánh cuộc sống hiện thực và nét đặc trưng của vùng Trung du Bắc bộ và đất Tổ Hùng Vương. Đây là nét đặc biệt riêng có, không tìm thấy ở các các hiện vật cùng thời.

Có thể nói, bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang là một hiện vật gốc độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị mỹ thuật; có giá trị cao về thực tiễn, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Theo đó, những đặc điểm về kỹ thuật chế tác, nghệ thuật tạo hình, hoa văn, phong cách trang trí trên Bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang được xác định là căn cứ đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu đối sánh, phân tích để đoán định niên đại, phong cách nghệ thuật tạo tác bàn thờ Phật thời Trần nói riêng và di sản văn hóa - nghệ thuật thời Trần nói chung.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt này, ngày 25/12/2021, Bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ngày 23/10, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 1171/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ. Theo văn bản này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra thực tế tại di tích, có ngay biện pháp bảo vệ Bảo vật Quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá tại chùa Phổ Quang. Đồng thời, đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất phương án xử lý báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thanh Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/bao-vat-vo-gia-cua-ngoi-chua-vua-chay-lon-o-phu-tho-2046504.html