Bất thường công trường khai thác cát trong khu công nghiệp rộng 370 ha tại Ninh Thuận
Khu công nghiệp Phước Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) được quy hoạch rộng 370 ha; khởi công 15 năm nay nhưng chậm tiến độ nghiêm trọng. Trong khi đó, tại đây, hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ với rất nhiều bất thường.
Khai thác quy mô lớn
Như Tiền Phong phản ánh, Khu công nghiệp (KCN) Phước Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007. Nhưng hơn 15 năm qua, tỉ lệ lấp đầy của KCN này chỉ đạt 16,94%. Các doanh nghiệp này trong năm 2021 cũng chỉ đóng góp cho ngân sách tỉnh Ninh Thuận 395 triệu đồng. Trong khi đó, theo phản ánh của bạn đọc, công việc chính mà chủ đầu tư đang tập trung là ... khai thác cát.
Nhìn từ bên ngoài, hạng mục hoàn thiện nhất của KCN 15 năm tuổi này là cổng chính. Hàng rào KCN bám dọc QL 1A, đoạn có, đoạn không. Hai bên và phía sau KCN cũng chưa có hàng rào.
Để vào trong, chúng tôi đặt vấn đề thuê mặt bằng và được bảo vệ dẫn vào nhà điều hành dự án - một ngôi nhà lắp ghép bằng tôn tạm bợ. Tại đây, thanh niên tên Lâm, mặc áo phông, đội mũ lưỡi chai nhận là người của chủ đầu tư cho biết, hầu hết các vị trí dự án còn trống, tùy ý chúng tôi lựa chọn.
Chạy xe dọc KCN, chúng tôi chỉ thấy vài nhà máy đã đi vào hoạt động. Hầu hết diện tích KCN vẫn còn nguyên đất cát, cây cối và ao nước tự nhiên, chưa có dấu hiệu được thi công, đào đắp. Các trục đường trong KCN đang được cào đất, lu lèn để đổ bê tông.
Đáng chú ý, trong khuôn viên KCN có đến 2 nhà máy trộn bê tông quy mô lớn, xe tải tấp nập ra vào. Chúng tôi đi theo các xe tải này về phía cuối KCN, thấy hai bên đường, cát được chất cao thành đống.
Cuối con đường bên trái của KCN (thuộc giai đoạn 2 của dự án) là một bãi tập kết cát rộng đến cả ha. Giữa bãi tập kết này là khu vực rửa cát. Đất lẫn cát được các xe tải lớn chở về đổ xuống hồ nước rộng để rửa rồi được bơm lên bằng máy bơm và vòi cỡ lớn.
Nguồn đất cát đưa về khu rửa được các xe tải chở về từ khu vực khai thác cách đó vài trăm mét. Tại đây, chiếc máy xúc màu cam đang hối hả múc đất lên chiếc xe tải. Xe tải cỡ lớn thay nhau chạy rầm rập, bụi cát tung mù mịt.
Thấy xe chúng tôi dừng lâu, từ trong lùm cây, có 5 người (người mặc quần áo bảo vệ, người mặc quần đùi, áo phông) chạy ra, réo bộ đàm, gọi người xua đuổi. Trên đường ra, chúng tôi gặp nhiều xe chở cát chạy vào nhà máy trộn bê tông trong KCN hoặc chở ra ngoài cổng KCN.
Địa phương không có phương tiện để giám sát?
Để xác định việc khai thác cát có vi phạm hay không, chúng tôi đã nỗ lực trao đổi với nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận.
Tại Sở Tài nguyên và môi trường Ninh thuận, chúng tôi được cung cấp văn bản 1559/UBND-KTTH do ông Lê Huyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký ngày 16/4/2022 cho phép Công ty CP Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận (Công ty Phước Nam, Chủ đầu tư dự án KCN Phước Nam) được thu hồi làm vật liệu san lấp hơn 386.000m3 đất cát tại KCN Phước Nam. Vị trí thu hồi là tại khu vực làm đường trong KCN, thuộc giai đoạn 1 của dự án.
Đáng chú ý, sở này cũng cung cấp cho PV văn bản thể hiện người dân đã từng phản ánh chủ đầu tư khai thác cát trái phép nhưng sau quá trình kiểm tra không phát hiện ra sai phạm.
Tuy nhiên, tại thực địa, chúng tôi nhận thấy hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ, ngoài phạm vi giai đoạn 1 của dự án, cách xa trục đường giao thông, trái ngược với văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận nêu trên.
Trong hai ngày liên tục, PV đề nghị ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Sở TN&MT Ninh Thuận, cho cán bộ cùng PV xuống hiện trường KCN Phước Nam kiểm tra có hay không việc vi phạm khai thác khoáng sản (cát) của Công ty Phước Nam thì ông này cho biết hiện cán bộ sở đang bận, không thể đi cùng.
Tại UBND huyện Thuận Nam, ông Đặng Gia Thuận - Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường cho biết, Công ty Phước Nam được khai thác dọc đường KCN nhưng không cắm mốc để xác định trên hiện trường mà chỉ có tọa độ. Trong khi đó, Phòng TN&MT huyện không có công cụ (máy GPS) để xác định tọa độ nên không biết chính xác chủ đầu tư KCN có vi phạm hay không.
Khi PV đề nghị kiểm tra hiện trường, ông Thuận ban đầu đồng ý, nhưng sau khi điện thoại cho Chủ tịch UBND huyện ông Thuận lại đổi ý với lý do: Huyện muốn vào phải xin ý kiến của Ban Quản lý KCN tỉnh Ninh Thuận (!?). Trong khi, tại văn bản cho phép thu hồi cát tại KCN do UBND tỉnh ban hành nêu trên, huyện Thuận Nam được giao giám sát doanh nghiệp khai thác cát.
Tương tự, ông Nguyễn Huỳnh Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam (đơn vị được UBND tỉnh Ninh Thuận giao giám sát khai thác cát của Công ty Phước Nam) cho hay, xã không có cách nào xác định được ranh giới khai thác nên không thể giám sát.
Lượng cát trong KCN Phước Nam trị giá hàng trăm tỷ đồng
Theo một người làm nghề khai thác cát lâu năm, những đồi đất cát trong KCN Phước Nam nói riêng và nhiều khu vực khác của Ninh Thuận nói chung rất có giá trị. Tỷ lệ cát trong hỗn hợp đất cát tại đây hơn 50%, lại rất dễ khai thác. Anh này ước tính, lượng cát bóc tách từ nền của KCN Phước Nam lên đến hàng triệu khối, có giá trị không dưới 100 tỷ đồng.