Cải thiện thể chế là yếu tố cốt lõi để phát triển

Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề 'Định hướng tương lai: Điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới' do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức ngày 1/11, các chuyên gia chỉ ra rằng cải thiện thể chế là yếu tố cốt lõi giúp nền kinh tế phát triển.

Bối cảnh mới đòi hỏi tư duy chính sách mới

Bối cảnh mới đòi hỏi tư duy chính sách mới

Nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều thách thức

Nền kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ, dự kiến từ 6,8 - 7%. Theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo của CIEM, Việt Nam đã hồi phục động lực phát triển sau đại dịch, trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất ASEAN. Cả ba khu vực kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và dịch vụ đều ghi nhận mức tăng đồng đều.

Tuy nhiên, TS. Thọ cảnh báo, cơ cấu kinh tế trong nước vẫn còn yếu và gặp khó khi mở rộng ra thị trường quốc tế. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 28,1% năm 2024, thấp hơn mức 45,8% vào năm 2010. Bên cạnh đó, mặc dù mục tiêu đến năm 2030 là đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 11,5% hiện nay xuống còn 7,1%, đây là nhiệm vụ đầy thách thức. So với các nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan, quá trình này cần nhiều thời gian và cải cách sâu rộng hơn để đạt được.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mặc dù tiếp tục là điểm sáng với 24,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 11,6% so với cùng kỳ, nhưng TS. Thọ nhấn mạnh, FDI chỉ tập trung chủ yếu tại 14 tỉnh, chiếm 74,8% tổng vốn, khiến một số địa phương hầu như không được hưởng lợi từ nguồn vốn này. Hệ số tác động của FDI đến tăng trưởng cũng rất thấp, chủ yếu do doanh nghiệp FDI nhập khẩu và gia công tại Việt Nam để tái xuất khẩu, thay vì tạo ra giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.

Hoạt động của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi cứ 100 doanh nghiệp mới ra đời thì có tới 89 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phản ánh sự thiếu ổn định của môi trường sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam theo quý (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tăng trưởng GDP của Việt Nam theo quý (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tín hiệu khởi sắc từ thể chế kinh tế mới

Năm 2024 đã ghi nhận 29 luật mới được ban hành nhằm tháo gỡ các rào cản kinh tế, tạo điều kiện cho tăng trưởng. Cả TS. Thọ và bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, đều chung quan điểm rằng cải thiện thể chế là yếu tố cốt lõi giúp nền kinh tế phát triển.

Theo TS. Thọ, trong ngắn hạn cần tập trung vào các văn bản hướng dẫn luật và dỡ bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường. Về trung hạn, cải cách luật pháp là cần thiết nhằm đảm bảo nền kinh tế Việt Nam vận hành hiệu quả, bền vững, tiến tới đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2045.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu phục hồi, thị trường xuất khẩu Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối diện rủi ro từ các bất ổn địa chính trị, xu hướng gia tăng phòng vệ thương mại và chi phí vận tải cao. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất và chống lãng phí để tăng khả năng cạnh tranh.

Vì vậy, bức tranh kinh tế năm 2025 sẽ tươi sáng hơn khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp tại vùng khó khăn, được chú trọng. Các sáng kiến này bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp quay lại thị trường, doanh nghiệp mới và doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào các ngành thay thế nhập khẩu.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia kỳ vọng việc xây dựng một thể chế kinh tế lành mạnh, minh bạch, và hạ tầng phát triển đồng đều chính là con đường đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Các mục tiêu ngắn và trung hạn cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm đảm bảo tính bền vững trong quá trình phát triển kinh tế.

Nhất Thanh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cai-thien-the-che-la-yeu-to-cot-loi-de-phat-trien-157367.html