Cảnh báo lục địa châu Phi đang tách làm đôi, vết nứt ngày càng rộng

Các nhà khoa học cảnh báo rằng một vết nứt lớn đang xé toạc châu Phi và có thể chia đôi lục địa này, cũng như hình thành đại dương thứ 6 trên Trái đất.

Vết nứt tách đôi mặt đất tại Kenya năm 2018. Ảnh: Reuters

Vết nứt tách đôi mặt đất tại Kenya năm 2018. Ảnh: Reuters

Đới tách giãn Đông Phi (EARS) hình thành cách đây ít nhất 22 triệu năm nhưng mới chỉ hoạt động trong vài thập kỷ qua, sau khi một vết nứt xuất hiện dọc theo sa mạc của Ethiopia vào năm 2005 và đang mở rộng thêm 2,5cm mỗi năm.

Đó là kết quả từ hiện tượng hai mảng kiến tạo dịch chuyển ra xa nhau, nhưng cơ chế chính xác của nó vẫn chưa được làm rõ tại thời điểm đó.

Cho đến mới đây, một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 đã phát hiện rằng một lượng lớn đá siêu nóng trong lõi Trái đất đang tạo ra vết nứt này.

Mặc dù châu Phi sẽ không bị xé toạc làm đôi trong vòng ít nhất 5 triệu năm nữa, nhưng Somalia và một nửa của Ethiopia, Kenya và Tanzania sẽ tạo thành một lục địa mới khi điều đó xảy ra. Các quốc gia dọc theo bờ biển phía Đông Nam châu Phi sẽ trở thành một hòn đảo khổng lồ, tạo ra một vùng biển hoàn toàn mới từ Ethiopia đến Mozambique.

Ông Ken Macdonald, giáo sư tại Đại học California, nói với DailyMail: “Điều chúng tôi không biết là liệu sự rạn nứt này có tiếp tục với tốc độ hiện tại hay không, để cuối cùng mở ra một lưu vực đại dương như Biển Đỏ, và sau đó là một phiên bản nhỏ của Đại Tây Dương. Hoặc nó thể tăng tốc hay ngừng hoạt động”. Theo ông, với tốc độ nứt như hiện tại, một vùng biển mới có kích thước bằng Biển Đỏ có thể hình thành trong khoảng 20-30 triệu năm tới.

Một vết nứt dài 55km xuất hiện vào năm 2005 đã chỉ ra khả năng xuất hiện một vùng biển mới gần Ethiopia. Và một vết nứt khác xé toạc Kenya vào năm 2018 sau trận mưa lớn, buộc mọi người phải rời bỏ nhà cửa và đóng cửa các tuyến đường.

Vết nứt khổng lồ tại Kenya sâu ít nhất 15 mét và rộng 20 mét. Ảnh: Reuters

Vết nứt khổng lồ tại Kenya sâu ít nhất 15 mét và rộng 20 mét. Ảnh: Reuters

Giáo sư Macdonald tin rằng EARS sẽ gây ra nhiều rạn nứt hơn trong tương lai.

Trong khi đó, nhà địa chất David Adede nói với Daily Nation, một tờ báo địa phương, rằng ông tin rằng khe nứt chứa đầy tro núi lửa nhưng mưa lớn đã cuốn trôi vật liệu này và để lộ ra vết nứt.
Nhưng người dân địa phương tin rằng nó xảy ra đột ngột và nhanh chóng. Một số người cho biết họ cảm thấy mặt đất rung chuyển.

Các nhà nghiên cứu nhận định EARS đang ngày càng lớn hơn vì hai mảng kiến tạo - mảng Somali ở phía Đông và mảng Nubian ở phía Tây - đang di chuyển ra xa nhau. Chuyển động của hai mảng kiến tạo đã được quan sát vào năm 2004 bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, họ nhận thấy EARS đang dịch chuyển vài mm mỗi năm.

EARS trải dài từ Vịnh Aden ở phía Bắc đến Zimbabwe ở phía Nam và bao gồm một loạt các thung lũng sâu, vách đá dựng đứng và núi lửa.

Đặc điểm địa chất là một quá trình rạn nứt lục địa đang diễn ra, nơi lớp vỏ Trái đất dần dần tách ra.

Theo Hiệp hội Địa chất London, vết rạn nứt có khả năng hình thành do nguồn nhiệt truyền lên từ quyển mềm (asthenosphere) giữa Kenya và Ethiopia. Quyển mềm là phần nóng hơn và yếu hơn nằm trên lớp phủ Trái đất.

Vết nứt năm 2018 đang được tranh luận trong cộng đồng khoa học, vì một số người tin rằng nó đang thể hiện sự phân tách theo thời gian thực, trong khi những người khác tin rằng sự tiến triển như vậy là không thể.

Một cư dân ở Maai Mahiu-Narok, Kenya, tên là Eliud Njoroge Mbugua khẳng định anh nhìn thấy vết nứt chạy qua nhà mình. Và anh này chỉ kịp nhặt một số đồ đạc trước khi ngôi nhà sập xuống.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Daily Mail)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/canh-bao-luc-dia-chau-phi-dang-tach-lam-doi-vet-nut-ngay-cang-rong-20230706151606425.htm