'Chìa khóa' mở chuỗi giá trị bền vững
Để liên kết theo chuỗi giá trị thành công, quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, tự nguyện, thống nhất và giữ uy tín giữa các bên. Không giữ được chữ tín, không thể liên kết thành công. Đây là chìa khóa mở chuỗi, nếu làm tốt lợi ích được chia sẻ.
Hiện nay, liên kết giữa các thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể, HTX với nhau, giữa HTX với DN và các tổ chức kinh tế khác bước đầu đã có sự phát triển. Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam và Bộ NN&PTNT, cả nước đã có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX).
Liên kết còn lỏng lẻo, vì sao?
Tuy vậy, việc liên kết theo chuỗi giá trị bền vững vẫn còn những “nút thắt” cần tháo gỡ. Tại Diễn đàn HTX Quốc gia 2024 vừa diễn ra, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho hay Tập đoàn Lộc Trời đi từ việc nhỏ, ngay từ giai đoạn đầu xác định là người phục vụ bà con nông dân từ giống, dịch vụ, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu. Dần dần, Lộc Trời khuyến khích liên kết bà con nông dân liên kết với nhau và liên kết với DN. Tuy vậy, nảy sinh nhiều vấn đề từ tư cách pháp nhân, thuế, pháp lý, tình trạng bẻ kèo…
Vừa qua, Lộc Trời thấy nổi lên 2 vấn đề: Cần tổ chức lại từng nhóm nông dân, trong đó cần vai trò HTX. Tuy nhiên, nhiều năm không có HTX đủ lớn để cùng nhau tổ chức sản xuất, dẫn tới hiệu quả cao chưa có. Thêm vào đó, DN tham gia chưa sâu; cũng như phân chia lại lợi ích giữa người nông dân, DN và HTX còn nhiều vấn đề.
Chủ tịch Lộc Trời nhìn nhận thái độ của người dân trong liên kết ngang không tốt. Nếu không có tổ chức HTX đủ lớn, DN không thể liên kết hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân và HTX cần liên kết với nhau thật tốt tổ chức nguồn nguyên liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng của DN. Điều đó cần sự tham gia đầu tư sâu của DN về thị trường, đầu tư cơ sở vật chất, cam kết chất lượng sản phẩm theo quy trình canh tác và yêu cầu của đơn đặt hàng.
Chủ tịch Lộc Trời nhắc lại: “Thái độ và quy mô hợp tác là nhiệm vụ sống còn mà các tổ chức xã hội, cơ quan hỗ trợ giúp cho DN để đảm bảo đủ yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm đặt ra”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nhìn nhận việc các tổ chức KTTT nông nghiệp và phi nông nghiệp không tách rời có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình liên kết sản xuất và phân phối nông sản. Tuy nhiên, quy mô sản xuất và cung ứng của các tổ chức HTX có nỗ lực lớn nhưng chưa có tính chuyên môn hóa cao. Việc liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác bắt đầu hình thành nhưng còn ít, vì thế chuẩn mực liên kết chưa cao.
Trong lĩnh vực thương mại hiện đại, số lượng các nhà phân phối HTX còn ít trong các loại hình siêu thị và phân phối hiện đại, ước tính các HTX có tỷ trọng đóng góp doanh số dưới 3% trong các nhà phân phối hiện đại lĩnh vực siêu thị. Ngoài ra, quy mô sản xuất của một số HTX vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với xu hướng phát triển của thị trường, các sản phẩm của các tổ chức HTX tuyệt đại đa số là những sản phẩm cung ứng trong phạm vi địa lý hẹp và chưa đáp ứng cho thị trường phân khúc cao.
Theo đó, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, kêu gọi các tổ chức HTX cùng hợp tác, với sự chủ trì của Liên minh HTX các cấp, để hình thành các tổ chức “nhóm liên minh”, “liên đoàn” nhằm hợp lực, gia tăng sức mạnh đàm phán của các tổ chức HTX và kết nối các chuẩn mực. Nhóm các HTX nhỏ, sản phẩm OCOP theo tính chất hoạt động trong một liên minh sẽ nâng cao tính hiệu quả trong quá trình đàm phán với các nhà phân phối. Xây dựng mô hình “Liên đoàn HTX” để gia tăng sức mạnh các tổ chức HTX cùng ngành nghề.
“Đây cũng chính là giải pháp căn cơ nhằm hướng tới xây dựng thành công 3 tổ chức HTX trong nhóm 300 HTX lớn nhất toàn cầu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra (trong nhóm 300 HTX này, phần lớn là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phân phối)”, ông Đức nhấn mạnh.
Không giữ chữ tín khó liên kết chuỗi bền vững
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, đánh giá Chính phủ có nhiều chính sách, giải pháp phát triển chuỗi giá trị, nhiều chuỗi giá trị được hình thành từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhưng rõ ràng còn nhiều vấn đề cần bàn. Liên kết giữa DN và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro, ở đâu đó còn tình trạng bẻ kèo, phá vỡ liên kết.
Thông qua Diễn đàn, lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam hy vọng sẽ đúc kết lại những ý kiến đóng góp, thảo luận từ đại diện các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, cộng đồng HTX và các DN để cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bền vững và nâng lên tầm cao mới trong khu vực KTTT, HTX.
“Tin rằng với những ý kiến đóng góp, những giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững được đưa ra một cách thiết thực tại Diễn đàn, sẽ nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Để từ đó, việc phát triển bền vững trong chuỗi giá trị của HTX sẽ mang lại kết quả cụ thể hơn, đồng bộ và hữu ích hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kỳ vọng.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đánh giá trong triển khai thực hiện các chính sách về liên kết chuỗi giá trị, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định phân cấp cho các tỉnh trong việc ban hành cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết trên địa bàn, phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, còn có những địa phương chậm ban hành, trông chờ, kiến nghị ngược trở lại Chính phủ và các Bộ, ngành về cụ thể hóa chính sách.
Điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết còn khó khăn, quy trình, thủ tục hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, phức tạp, nên chưa thu hút được nhiều HTX và DN tham gia… Một số vùng nguyên liệu đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị hiệu quả, bền vững, hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh yếu kém...
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm. Các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao "phải làm rõ vướng ở cơ chế nào, quy định nào, trách nhiệm thuộc về ai, để có đề xuất cụ thể", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Về tổ chức củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố liên quan phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu do Bộ NN&PTNT phê duyệt; đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất; tạo nền tảng, cơ sở thu hút các doanh nghiệp liên kết, đầu tư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, phát triển bền vững vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị sản phẩm.
Đồng thời, các HTX, các DN với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt của chuỗi liên kết phải chủ động tăng cường năng lực quản lý, điều hành, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết theo hướng công khai, minh bạch, nhận thức rõ và thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia chuỗi liên kết; trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết, chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết.
"Quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, tự nguyện, thống nhất, giữ uy tín giữa các bên. Không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công. Đây là chìa khóa mở chuỗi, nếu làm tốt lợi ích được chia sẻ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chia-khoa-mo-chuoi-gia-tri-ben-vung-1099241.html