Em đi trẩy hội mùa xuân

Giữa tiết trời ấm áp, mùa xuân mới đã về. Mùa xuân hiển hiện giữa đất trời bình an, tươi tốt. Mùa xuân đậu trên những búp non vừa nhú, đậu trên những khuôn cười rực rỡ của mỗi con người.

Các điểm di tích của Hải Dương được cải tạo cảnh quan, nâng cao giá trị đã thu hút nhiều du khách từ các nơi tìm về tham quan, chiêm bái

Các điểm di tích của Hải Dương được cải tạo cảnh quan, nâng cao giá trị đã thu hút nhiều du khách từ các nơi tìm về tham quan, chiêm bái

Mùa xuân - mùa của một khởi đầu đẹp đẽ, mùa em đi trẩy hội...

"Cùng thầy me em vấn đầu soi gương"

Sáng sớm tinh mơ, em Khải Quỳnh đã vội vàng trở dậy, chuẩn bị khăn áo cùng bố mẹ trẩy hội mùa xuân. Cũng như nhiều năm trước, năm nay đại gia đình của em Khải Quỳnh gồm 25 người chọn Côn Sơn làm điểm vãn cảnh đầu tiên. Em Khải Quỳnh đang học lớp 11C Trường THPT Hồng Quang. Nhìn cô bé mới 16 tuổi tinh khôi trong tà áo dài cách tân duyên dáng, tóc buộc đuôi gà, là thấy mùa xuân thanh tao và thánh thiện đã về. Lại nhớ đến hình ảnh cô thôn nữ trong thơ của Nguyễn Nhược Pháp từ thế kỷ trước: "Hôm qua em đi chùa Hương/ Hoa cỏ còn mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương/ Nho nhỏ cái đuôi gà cao...".

Từ rất lâu, trẩy hội mùa xuân đã là một phần không thể thiếu, nằm trong những tập tục đẹp đẽ của người dân đất Việt. "Em đi chùa để cầu chúc an khang. Chúc cho nhà nhà, người người an vui, mạnh khỏe. Các di tích ở quê mình rất đẹp và đều có một câu chuyện riêng. Đầu xuân không đi chùa thì em thấy mùa xuân còn thiếu", em Khải Quỳnh nói.

Ở các điểm di tích của Hải Dương những ngày đầu năm mới Quý Mão, ngoài nhân dân trong tỉnh còn có rất nhiều du khách thập phương. Bây giờ đường sá to đẹp, khang trang, rất thuận lợi cho việc đi lại, du xuân. Các di tích của Hải Dương không ngừng được cải tạo cảnh quan để nâng tầm giá trị nên khách từ nơi xa tìm đến ngày càng nhiều.

Đi từ nhà ở phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), sáng sớm, chị Bích Hằng cùng với 8 người trong gia đình đã có mặt ở di tích quốc gia đặc biệt đền Kiếp Bạc làm lễ, rồi vào di tích Côn Sơn. Đây là lần thứ hai, chị Bích Hằng đến Côn Sơn kể từ lần đầu tiên năm 2009 - khi còn là học sinh trung học nên những đổi thay của các di tích được chị Bích Hằng cảm nhận rõ ràng. "Đẹp hơn, khang trang hơn. Tất cả gọn gàng, văn minh. Dù khách đông nhưng nơi làm lễ trật tự, không có cảnh xô đẩy như ở nhiều nơi khác. Đến chùa để vãn cảnh, tĩnh tâm, tôi cầu mong cho tất cả mọi người hạnh phúc, bình an", chị Bích Hằng chia sẻ.

Những ngày đầu xuân, trên 1.000 di tích của Hải Dương đã đón một lượng khách rất lớn đến tham quan, vãn cảnh. Mỗi cung đường, mỗi di tích đều khoác lên mình tấm áo rực rỡ của sắc màu hân hoan để đón chào du khách đến chiêm bái, cầu mong một năm mới an lành, thật nhiều niềm vui.

Lễ chùa đầu xuân để ước vọng năm mới bình an, may mắn là một nét đẹp văn hóa của người dân đất Việt

Lễ chùa đầu xuân để ước vọng năm mới bình an, may mắn là một nét đẹp văn hóa của người dân đất Việt

Khởi đầu từ mùa xuân

Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp truyền thống vốn có từ bao đời nay của người dân Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng. Với người Hải Dương, giờ đây không phải đi đâu xa cũng có thể được đắm mình trong tiết trời xuân rực rỡ và không khí lễ hội rộn ràng tại những di tích tầm cỡ quốc gia ngay tại quê nhà.

Các điểm di tích tại huyện Cẩm Giàng trong những ngày đầu xuân đã đón hàng vạn lượt du khách xa gần đến tham quan, hành lễ. Theo ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện, có nhiều du khách trẻ tuổi đến với các di tích vào ngày đầu xuân. Đây là điều khác biệt so với nhiều năm trước, cho thấy văn hóa truyền thống đang được vực dậy mạnh mẽ.

Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, ồn ào khi thắp hương, xin lộc. Du khách đến các di tích đi theo tuần tự, trang phục gọn gàng, lịch sự. "Cẩm Giàng vinh dự có 2/4 di tích quốc gia đặc biệt của Hải Dương là Văn miếu Mao Điền và đền Bia - chùa Giám - đền Xưa. Trước, trong và sau Tết, Ban Quản lý đã huy động toàn bộ lực lượng và phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương tổ chức đón tiếp du khách chu đáo, an toàn. Sau một thời gian gián đoạn vì đại dịch, khi mở cửa trở lại, các di tích đều đón lượng khách tăng cao", ông Thành cho biết.

Trong hành trình đi lễ đầu năm, các du khách cũng chọn nhiều ngôi đền là điểm đến. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Chí Linh, các điểm di tích của thành phố đã đón lượng du khách rất lớn. Riêng đền Cao An Lạc đón khoảng 3 vạn người. Nơi đây, ngoài gắn với những con người, câu chuyện lịch sử đánh giặc ngoại xâm còn có cảnh quan đặc sắc, với cánh rừng lim cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có nhiều cây lim được vinh danh "Cây di sản".

Tại đền Cao An Lạc, đôi bạn trẻ Nguyễn Văn Mạnh, Vũ Thị Lan cho biết đi xe máy từ Cẩm Lý, Lục Nam (Bắc Giang) đến. Về Côn Sơn - Kiếp Bạc nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên các bạn về với đền Cao An Lạc. "Quãng đường không xa nên chúng em đi xe máy để đến được nhiều điểm du xuân. Chúng em cầu mong một năm mới hanh thông và nhiều may mắn đến với mọi người", bạn Vũ Thị Lan nói.

Cũng có mặt ở đền Cao An Lạc, Safonov - chàng thanh niên người TP Kharkov (Ukraina) rất hào hứng khi được du xuân trong không khí yên bình, mọi lo lắng bộn bề được gạt bỏ. Safonov là du học sinh, anh cho biết: "Ở Việt Nam mới thấy giá trị của hòa bình và mong quê nhà sớm chấm dứt chiến sự để người dân sống trong hòa bình, hạnh phúc".

Sau một thời gian gián đoạn vì đại dịch, giờ đây mọi hoạt động đã trở lại bình thường trong niềm hân hoan, ước vọng về một năm mới may mắn của tất cả mọi người. Nhiều nam thanh, nữ tú khoác lên mình tà áo dài truyền thống đi trong khói trầm vương vấn giữa tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, mới thấy, lễ chùa đầu năm mãi là một nghi thức thiêng liêng.

Một năm khởi đầu từ mùa xuân!

Từ ngày 22-26.1 (mùng 1-5 Tết Nguyên đán), một số di tích, điểm du lịch trọng điểm của Hải Dương đón khoảng 23,7 vạn lượt khách tới tham quan, chiêm bái và giải trí.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón hơn 100.000 lượt khách; các di tích khác ở Chí Linh như đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, đền Sinh, đền Hóa, đền Cao An Lạc đón khoảng 48.000 lượt khách, đều tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2022. Các di tích trọng điểm ở thị xã Kinh Môn đón khoảng 60.000 lượt khách, tăng hơn 50%; các di tích ở huyện Cẩm Giàng cũng đón khoảng 25.000 lượt khách, tăng 50%. Khu du lịch đảo Cò (Thanh Miện) đón khoảng 4.000 lượt khách, tăng khoảng 30%…

Lượng khách tăng mạnh do dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Du khách du xuân bảo đảm an toàn, văn minh. Dù lượng khách tăng mạnh nhưng giá các loại dịch vụ bình ổn.

TIẾN HUY - THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phong-tuc---le-hoi/em-di-tray-hoi-mua-xuan-225420