Giữ lửa nghề truyền thống nơi đại ngàn

Ở tuổi 82, ông A Han (làng Lê Văng, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) không còn tất bật chuyện rẫy vườn. Phần lớn thời gian ông quây quần bên con cháu và bầu bạn với sợi nan, sợi lạt, miệt mài tạo ra những chiếc gùi, chiếc nia ở cái tuổi xế chiều.

82 tuổi, ông A Han vẫn miệt mài đan lát. Ảnh: Thanh Tùng

82 tuổi, ông A Han vẫn miệt mài đan lát. Ảnh: Thanh Tùng

Đăk Na đón chúng tôi bằng trận mưa lớn. Mưa mịt mù trời đất. Trên con đường bê tông phẳng phiu dẫn vào làng Lê Văng, những nếp nhà sàn ẩn hiện bên cánh đồng bậc thang, khói bếp bốc lên, gặp mưa cứ quanh quẩn trên mái nhà. Nhà ông A Han nằm ngang lưng chừng dốc, quanh nhà trồng nhiều nứa và săm lũ. Trong căn nhà sàn rộng chừng 30m2, gồm 2 lối ra vào, già A Han ngồi đón ánh sáng nơi cửa bếp vót nan. Những sợi nan thừa rơi xuống đất đều được ông A Han gom lại, tạo thành “chiếc đệm” cho những chú gà lót ổ hay dùng để nhóm lửa.

Tuổi cao, những hoạt động với ông A Han trở nên khó khăn. Đôi tay không còn linh hoạt, mắt không còn sáng như trước, nhưng hễ sờ vào sợi nan, mọi thao tác bỗng nhanh nhẹn, hoạt bát, thành thục. Đôi bàn tay chai sạn nhưng chỉ sờ qua sợi nan là có thể cảm nhận được độ mỏng, độ dày, có đạt để đan gùi, đan nia hay chưa. Để có được cảm nhận tinh tế ấy, ông A Han đã dành trọn cả đời để làm bạn với cây tre, cây nứa, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo ra những điểm nhấn như họa tiết, hoa văn, sắc màu trên những chiếc gùi. Để rồi, chính những điểm nhấn ấy đã thu hút ánh nhìn, gieo ấn tượng cho những kẻ mê gùi, mê sản phẩm truyền thống.

Ông A Han không thể nhớ đôi tay mình đã đan bao nhiêu chiếc gùi, càng không thể nhớ chính xác ông biết đan gùi từ khi nào, nhưng ông chắc chắn bản thân biết đan gùi từ khi còn là một cậu bé. Ngày xưa trong làng, những người đàn ông Xơ Đăng ai cũng biết đan lát. Ngoài giỏi việc rẫy, băng rừng, lội suối, những người chồng, người cha còn giỏi làm ra những chiếc gùi, chiếc nia, đơm cá phục vụ cho đời sống sinh hoạt. Và những người con, người cháu của họ cũng lớn lên trong cuộc sống yên bình như thế.

Ông A Han nhớ lại: "Trước kia, mỗi lần cha tôi từ rẫy về nhà, ngoài rau rừng, cá suối, ông còn mang theo bó lồ ô, săm lũ. Ông lựa chọn những cây già, có vẻ bề ngoài sần sùi, màu xanh nhợt nhạt. Bởi những cây này có tuổi già, nhiều năm va chạm với nắng mưa nên có độ cứng, dẻo dai, chống được mối mọt".

Ông A Han kể tiếp: "Cha tôi không cầm tay chỉ việc, không hướng tường tận cách đan lát, bởi tôi ở gần ông ấy cả ngày, cuộc sống cũng chỉ quanh quẩn với núi rừng, đan lát nên dễ dàng học theo. Sáng sớm, khi mẹ tôi đang loay hoay bên bếp lửa, lo chuẩn bị đồ ăn cho một ngày dài, thì cha đã miệt mài cùng con dao nhỏ sắc lẹm, vót những sợi nan, sợi lạt để tối về đan".

Những lúc này, ông A Han cũng đã thức giấc, phụ cha chẻ những ống lồ ô, săm lũ mà cha ông mang về từ ngày trước. Tối đến, sau bữa cơm, cả nhà quây quần bên bếp lửa giữa nhà, mẹ và bà cọc cạch bên khung cửi, còn ông A Han cùng cha mình đan lát.

Ông A Han nhớ lại, cha ông là một người có tính cầu toàn, cẩn thận, nên những chiếc gùi, chiếc nia do cha ông làm ra đều đặn như đúc ra từ một chiếc khuôn. Nhiều người trong làng ngày ấy khi làm gùi đều làm phần đế, miệng gùi bằng dây mây, nhưng cha ông thì khác. Cha ông chọn loại cây “long nông” - loại gỗ có tính nhẹ, dẻo, bền, dễ dàng tạo hình. Khi phần đế và miệng gùi được hoàn thiện, cha ông bắt phần làm khung gùi, sau đó mới đến khâu đan lát. Đây là công đoạn rất quan trọng, quyết định đến độ bền, tính thẩm mỹ của một chiếc gùi. Gùi của người Xơ Đăng gồm 2 loại: nan thưa và nan khít. Thường, loại gùi nan thưa làm đơn giản, không tốn nhiều thời gian như gùi nan khít. Bởi trông qua vẻ bề ngoài của một chiếc gùi nan khít, nhìn các họa tiết được tạo ra từ những sợi nan cùng màu là có thể đánh giá được kỹ năng, sự tỉ mỉ, chỉn chu của người thợ.

Và ông A Han may mắn khi được thừa kế tất cả những kỹ năng từ cha mình. Xem cha làm, ông A Han cũng tập tành làm theo. Ông tận dụng những vật liệu thừa của cha rồi tự làm cho mình chiếc gùi riêng. Sau nhiều ngày miệt mài, chiếc gùi đầu tiên cũng được hoàn thiện. Tuy không đẹp, nhưng đó là động lực để ông nỗ lực tạo ra được những chiếc gùi đẹp như cha mình trong tương lai.

Khi trở thành cậu thanh niên, lập gia đình, A Han đã trở thành nghệ nhân đan lát của làng. Nhiều người ngợi khen ông đan đẹp, đan giỏi hơn cha ông. Bởi những chiếc gùi ông làm ra có những chi tiết đẹp và sắc sảo hơn cha ông. Chiếc gùi ông A Han làm có nắp đậy kín, bà con có thể đựng gạo, lúa đi giữa trời mưa nắng. Hơn nữa, những chiếc gùi ông làm ra có những chi tiết được phủ màu từ một loại sơn “đặc biệt”.

Nhiều khách hàng ưa chuộng sản phẩm đan lát do ông A Han làm ra. Ảnh: Thanh Tùng

Nhiều khách hàng ưa chuộng sản phẩm đan lát do ông A Han làm ra. Ảnh: Thanh Tùng

Ông A Han chia sẻ: "Để có được điểm nhấn cho chiếc gùi, tôi đã học cách tạo màu sơn đen ở phần miệng gùi. Để có loại sơn đặc biệt này, tôi hơ những phần muốn sơn đen trước lửa củi xà nu, sau đó dùng chùm lá "cộng sản" buộc ở phần gậy quét đều. Nhựa của chúng tiết ra, gặp khói xà nu sẽ tạo thành màu đen, sau đó mang phơi trên giàn bếp nhiều ngày".

Nhờ cách làm này mà nhiều bà con ưa thích chiếc gùi do ông A Han làm ra. Họ dùng gạo, heo, gà để đổi những chiếc gùi mang về dùng. Đến tận bây giờ, khi làm gùi, ông A Han vẫn nghe lời cha mình chọn loại cây “long nông” làm đế và miệng gùi, vẫn dùng lá "cộng sản", củi xà nu để tạo màu. Ngày trước, cũng như lồ ô, săm lũ, loại cây “long nông” mọc nhiều trong làng, trong rừng, người dân không phải tốn nhiều công sức để lựa chọn được những cây ưng ý. Còn giờ đây, để lấy được một đoạn cây “long nông” buộc người dân phải vào rừng sâu.

Tuổi cao, sức yếu, bước chân không còn mạnh mẽ như thời thanh niên, ông A Han đành nhờ những người con tìm giúp ông những đoạn gỗ “long nông” để ông làm gùi. Còn lồ ô, săm lũ được ông trồng quanh nhà để thuận tiện lấy, hơn nữa còn giúp làm hàng rào, che mát khuôn viên nhà. Nguồn nguyên liệu đảm bảo, ông A Han vẫn tâm huyết tạo ra những chiếc gùi, chiếc nia. Phần để làm của hồi môn cho con cái, phần để phục vụ sinh hoạt gia đình và hơn hết là công việc mưu sinh tuổi già.

Ông A Han cho biết: "Về già, rẫy vườn tôi bàn giao cho con cái. Ở nhà không làm gì cũng buồn, may có cái nghề đan lát mà tay chân có việc để làm, có thêm thu nhập. Một chiếc gùi nhỏ đan từ 2 - 3 hôm, tôi bán từ 400 - 600 nghìn đồng/cái. Chiếc gùi to thì dày công hơn, một chiếc làm mất khoảng 1 tuần, có giá bán từ 1 - 2 triệu đồng/chiếc. Ngoài gùi, tôi còn đan thêm nia, giỏ... tùy theo yêu cầu của khách hàng".

Ông A Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: "Ông A Han là một trong những người còn duy trì nghề truyền thống trên địa bàn xã. Nhiều khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao những sản phẩm do ông A Han làm ra. Trong thời gian tới, xã sẽ vận động thế hệ trẻ học hỏi và phát triển nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm để phục vụ cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương".

Văn Tùng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-lua-nghe-truyen-thong-noi-dai-ngan-post467517.html