Hội thảo báo cáo đánh giá 13 thủ tục hành chính cơ bản liên quan tới công trình xây dựng dưới góc nhìn doanh nghiệp
Sáng 26/11, Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI với sự hỗ trợ nguồn lực của Friedrich Naumann Foundation (Quỹ FNF) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn doanh nghiệp. Hội thảo cung cấp những bằng bằng chứng thực tế về việc thực hiện các thủ tục dưới góc nhìn của hơn 2.100 doanh nghiệp có công trình xây dựng trong 2 năm gần đây. Kết quả đánh giá góp phần hỗ trợ quá trình rà soát, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực xây dựng.
Khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ: Xây dựng là hoạt động có vai trò thiết yếu, ảnh hưởng đến sự phát triển về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật của daonh nghiệp và nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp, xây dựng công trình là một trong những hoạt động đầu tiên khi khởi sự kinh doanh. Chính vì tầm quan trọng đó, Chính phủ Việt Nam những năm qua đã từng bước thực hiện điều chỉnh cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Việc ban hành các bộ luật như Luật Xây dựng (2003, 2014 và sửa đổi bổ sung 2020), Luật Đất đai (1993, 1998, 2003, 2013), Luật Nhà ở (2005, 2014), Luật Đấu thầu (2005, 2013) đã cải thiện căn bản tính minh bạch pháp lý, tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp không ít trở ngại với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Báo cáo lần này tập trung vào đánh giá mức độ thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện 13 thủ tục hành chính phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng từ việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư đến đăng ký chứng nhận sở hữu. Đặc biệt, báo cáo cũng nhận diện một số “điểm nghẽn” trong quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp phép.
Từ đó, báo cáo cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp cho cơ quan quản lý Nhà nước để giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính đảm bảo tính minh bạch trong công tác tiếp nhận hồ sơ.
Báo cáo với tiền đề là để những chuyên gia, doanh nghiệp được thoải mái thảo luận về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, VCCI kỳ vọng, hội thảo sẽ phản ánh những vấn đề thực tế, đồng thời gợi mở nhiều giải pháp mang tính xây dựng, giải quyết vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng đã đề ra và Chính phủ đang ưu tiên thực hiện. Từ năm 2014 đến năm 2018, Chính phủ đã liên tục ban hành và triển khai thực hiện 5 Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và đến năm 2019, năm 2020 là các Nghị quyết số 02/NQ-CP, hay Nghị quyết số 35 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong đó, giao nhiều nhiệm vụ chung cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện các Nghị quyết nêu trên, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực trong công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa được 157/254 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 62%) thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng, qua đó cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Chỉ số Cấp phép xây dựng là một trong 10 chỉ số quan trọng được Ngân hàng thế giới dùng để đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế, có ý nghĩa và tầm quan trọng, ảnh hưởng tới đánh giá của quốc tế về môi trường đầu tư, kinh doanh ở các nền kinh tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2019, với nỗ lực trong công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Xây dựng, chỉ số cấp phép xây dựng tiếp tục được cải thiện và là chỉ số xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Để cải thiện thứ hạng Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới thì mỗi địa phương phải cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng, trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính liên ngành trong cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Để tạo động lực, thúc đẩy các địa phương cải cách, cải thiện thứ hạng so với các địa phương khác, đồng thời nhân rộng các điển hình tốt và nâng cao trách nhiệm của từng địa phương trong cải thiện chỉ số này thì cần phải tìm hiểu, đánh giá thực tiễn việc thực hiện thủ tục hành chính liên ngành trong cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan tại từng địa phương, đề xuất các giải pháp cải thiện phù hợp.
Bên cạnh việc công bố báo cáo, với mong muốn nâng cao thứ hạng Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới về thiện chỉ số Cấp phép xây dựng, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, cải cách công tác tổ chức thực hiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan, Bộ Xây dựng trân trọng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, các tổ ,chức, hiệp hội; các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng thảo luận, đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện báo cáo. Sau đó, những góp ý, phản ánh, kiến nghị này sẽ được Bộ Xây dựng ghi nhận, tiếp thu để từ đó rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng.
Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI có bài trình bày kết quả khảo sát thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn doanh nghiệp.Cũng trong phiên thảo luận, các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước đã có những trao đổi 2 nội dung quan trọng: Thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan nhằm giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng; Kiến nghị và giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải thiện hệ thống chính sách pháp luật và cơ chế thực thi các thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng.