Khi đặc sản vào phố thị

Trước nhu cầu ngày càng lớn của thị trường về các loại thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, được chế biến theo cách thủ công truyền thống, nhiều món ăn đặc sản của các vùng, miền đã trở hàng hóa phổ biến trên kệ hàng, trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Ngô Thanh Long (trái), Cơ sở sản xuất rượu vang thanh long Anna giới thiệu sản phẩm bên lề một hội nghị

Ông Ngô Thanh Long (trái), Cơ sở sản xuất rượu vang thanh long Anna giới thiệu sản phẩm bên lề một hội nghị

Việc “biến” đặc sản, sản phẩm truyền thống thành mặt hàng thương mại không chỉ giúp nông dân có thêm kênh bán hàng mà còn góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng, mang đến sự tiện lợi cho từng bữa ăn.

Ra ngõ gặp đặc sản

Đặc sản là sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền. Trước đây, việc tìm mua và thưởng thức các món đặc sản rất khó khăn vì sản phẩm không phổ biến, ít người bán. Nhưng hiện tại, hầu hết các sạp, kệ hàng từ đơn giản đến sang trọng đều có các loại gia vị nguồn gốc thiên nhiên, món ăn chế biến theo cách truyền thống, thực phẩm dạng sơ chế hoặc đồ khô đặc trưng của các địa phương.

Bà NGUYỄN THỊ NGỌC, chủ cửa hàng kinh doanh đặc sản quê tại TP.HCM cho rằng, nhu cầu các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), VietGAP, GlobalGAP, đặc sản của người tiêu dùng ngày càng nhiều. Nắm bắt nhu cầu này, bà đầu tư cửa hàng chuyên các loại đặc sản Đồng Nai và một số tỉnh miền Nam. Tiêu chí lựa chọn sản phẩm kinh doanh của cửa hàng là sạch, ngon và tốt cho sức khỏe. Mỗi sản phẩm lên kệ đều được bà dùng thử, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về cơ sở sản xuất, chế biến.

Cá thu ngâm dầu là sản phẩm đặc trưng của vùng Bình - Trị - Thiên cũ. Đây là món ăn mà người địa phương chế ra để dự trữ cho mùa bão không ra khơi được. Cá thu tươi được cắt khúc hoặc để nguyên con, tẩm ướp gia vị rồi ngâm dầu nành tự nhiên cho chín mềm, ăn được cả xương. Người ta dùng loại mắm này để chưng với thịt ba chỉ, thịt bằm, trứng hoặc đơn giản hấp ăn với cơm nóng. Trước đây, món ăn này chỉ phổ biến ở miền biển, nhưng hiện cá thu ngâm dầu có mặt ở chợ, cửa hàng đặc sản, siêu thị và sàn thương mại điện tử lớn, như: Lazada, Shopee, Tiki…

Tương tự, gà ủ muối hoa tiêu là món ăn đặc trưng ở vùng miền núi tỉnh Thái Nguyên. Thường người ta chọn những con gà trống thả vườn khỏe mạnh, thịt chắc, làm sạch rồi ướp chung với các loại gia vị tự nhiên như: ớt sừng, sả, lá chanh, gừng tươi, nghệ đỏ, hạt dổi… để tạo nên món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, bắt mắt. Vài năm trở lại đây, món ăn này thịnh hành ở tất cả các kênh bán hàng. Nhiều người, nhiều vùng bắt chước làm gà ủ muối tiêu ăn và bán. Bên mâm cơm gia đình, trên bàn tiệc hay hay bữa ăn khi đi du lịch, sử dụng món này đều tiện lợi.

Ngoài ra, còn rất nhiều món ăn ngon của các tỉnh, thành đang được bán ở nhiều nơi, nhiều kênh mua sắm: giò bê Nghệ An, chả cá thu Đà Nẵng, chả ram tôm đất Bình Định, mắm ruốc Huế, tương Bần (Hưng Yên), nem chua Thanh Hóa; thịt heo gác bếp miền Tây Bắc, mắm cá miền Tây… Từ chỗ chỉ làm thủ công, nhỏ lẻ, theo mùa vụ, sản phẩm trở thành một loại hàng hóa trên thị trường.

Chị Phạm Thị Vui, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) chia sẻ, chị có sở thích “săn” và thưởng thức đặc sản của các vùng, miền. Lúc trước do sản phẩm ít, không nhiều người kinh doanh nên việc “săn” đặc sản phải nhờ người quen về quê mua hoặc người đi du lịch, đi công tác đến vùng đó mua về. Nhưng giờ đây, mua đặc sản đơn giản hơn. Đặc biệt, các mối bán hàng trên mạng xã hội có rất nhiều món ăn ngon, độc, lạ, giao hàng tận nơi. Cốt là tìm được mối bán uy tín, chất lượng.

Phong phú món ngon các miền

Cửa hàng đặc sản Bình Định cạnh chợ Biên Hòa có hơn 100 mặt hàng ẩm thực, trong đó hơn 80% món ăn Bình Định, phổ biến là: tré cây, chả ram tôm đất, nước mắm nhĩ, rượu bầu đá, bánh tráng nhúng, chả lụa gói lá chuối… Chị Đan Nhi, chủ cửa hàng cho biết, trước đây chị bán bún cá Bình Định gần cầu Hiệp Hòa. Các loại nguyên liệu: nước mắm, chả cá, bún khô, hành, tỏi chị lấy từ ngoài quê vào nấu bún. Khách ăn ngon nhờ chị đặt giúp. Thế là chị nảy ra ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh.

Nhân viên Cửa hàng đặc sản Bình Định (chợ Biên Hòa) giới thiệu các sản phẩm đặc sản cho khách

Nhân viên Cửa hàng đặc sản Bình Định (chợ Biên Hòa) giới thiệu các sản phẩm đặc sản cho khách

“Tôi là người gốc Bình Định nên không khó tuyển sản phẩm truyền thống của địa phương vào bán. Tiêu chuẩn chọn sản phẩm của tôi là cơ sở sản xuất phải có 2 loại giấy tờ là đăng ký kinh doanh và chứng nhận an toàn thực phẩm. Sản phẩm vào đây theo đường ô tô khách là chính, một số gửi tàu và đi đường hàng không. Tôi bán tại cửa hàng này, tại quán bún cá và bán online. Sản phẩm được bao đổi trả khi còn hạn sử dụng” - chị Đan Nhi chia sẻ.

Ông Ngô Thanh Long, Cơ sở sản xuất rượu vang thanh long Anna (H.Thống Nhất) chia sẻ. Trước đây, gia đình ông thường ủ một số loại quả lên men làm thức uống. Nhận thấy sản phẩm này có tiềm năng phát triển, vợ ông nghĩ đến việc ủ thanh long làm rượu vang bán. Thanh long tươi được đem trộn với đường, tỷ lệ đường dựa theo độ chua - ngọt của từng mẻ thanh long, sau đó ủ kín trong hủ sành khoảng 6 tháng. Năm 2018, rượu vang thanh long ruột đỏ chính thức có mặt trên thị trường. Hiện mỗi tháng cơ sở cho ra thị trường khoảng 800 bình. Sản phẩm được bán ở nhiều nơi: cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, các hội chợ, triển lãm, mạng xã hội…

Có thể thấy, nhu cầu sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, được chế biến theo cách thức truyền thống ngày càng nhiều. Đặc sản và sản phẩm truyền thống có lợi thế hoàn toàn có thể chuyển từ dạng tiềm năng sang hàng hóa thương mại. Điều cần làm là đầu tư thêm về khâu tổ chức sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, thị trường đầu ra. Khai thác hiệu quả thế mạnh này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ lẻ ở các địa phương có cơ hội phát triển, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn khi mua sắm. Một số món ngon ở Đồng Nai có thể phát triển hơn nữa theo dạng này như: giò chả Gia Kiệm, tôm chua Nhơn Trạch, gà thảo mộc Cao Ten, khô cá kìm Trị An, rượu bưởi Tân Triều…

Lê An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202204/khi-dac-san-vao-pho-thi-3109883/