Làng chài Cửa Bé
Nếu có khúc hát nào hay nhất thì đó là khúc hát về quê hương, nếu có nơi nào yên bình nhất đó chỉ có thể là quê hương. Thật vậy, quê hương trong tôi là hình ảnh của một làng chài Cửa Bé thật bình dị, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển. Một tuyệt phẩm được hòa trộn giữa sắc xanh của núi, non, mây, trời và biển khơi.
Bến cá dân sinh Vĩnh Trường - nơi nhộn nhịp nhất ở làng chài Cửa Bé vào mỗi buổi sáng.
Làng chài Cửa Bé thuộc phường Vĩnh Trường, cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 4km. Làng chài chẳng "cách biển nửa ngày sông" như trong bài thơ "Quê hương" của riêng nhà thơ Tế Hanh, mà ngược lại, Cửa Bé của chúng tôi được con sông Quán Trường chảy quanh, hiền hòa và ban phát nguồn lợi hải sản trù phú.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, muốn đi xuống Cửa Bé chỉ có thể đi qua con đường Võ Thị Sáu, đoạn giao nhau giữa ngã ba Võ Thị Sáu - Tô Hiệu. Những con đường đất dài ngoằn, chi chít ổ gà vô tình tạo ra bởi những chiếc xe ba gác máy chở hải sản từ cảng Cửa Bé tản ra khắp các chợ trong thành phố; những xe đông lạnh xuống cảng trực tiếp thu mua để phục vụ chế biến hải sản khô; những xe ba bánh cũng được các hộ dân trưng dụng để chở cá về nhà thùng cho kịp muối cá làm mắm.
Khung cảnh nhộp nhịp và tấp nập ấy như được tái hiện một cách rõ nét trong không gian nhỏ bé của làng chài, với tổ Bình Tân thường tập trung các nhà máy chế biến thủy hải sản để xuất khẩu; tổ Trường Sơn là nơi tập trung làm hải sản khô hay có các hộ dân dẫn nước từ sông Quán Trường để làm đìa tôm, đìa cá; tổ Trường Đông là nơi các nhà thùng làm mắm nhỉ theo phương thức truyền thống; tổ Trường Hải và Trường Thọ thường tập trung nhiều nhất các ngư dân chuyên đi mành chong đèn, lưới vây, câu khơi, giã cào... Tất cả đều tạo nên nhịp sống tất bật và công việc mưu sinh luôn gắn liền với biển cả.
Ngày ấy, mỗi đứa trẻ chúng tôi cứ hễ rảnh rỗi là chạy xuống dưới bãi cát dài, thoai thoải ở cuối làng để chơi đùa thỏa thích. Con gái chơi nhảy dây, chơi u, đá cầu; con trai chơi ném lon, bắn bi và thích nhất vẫn là chơi thả diều. Chơi chán thì xuống sông, hòa vào dòng nước mát lành mà thỏa sức vùng vẫy, thi nhau bơi.
Khi xế chiều, các anh, các chú được gọi chung là những "bạn thuyền" gọi nhau í ới, từ từ bước lên thúng chai, thoăn thoắt chèo thúng ra các ghe tàu, sắp xếp ngư cụ để bắt đầu cho một chuyến khơi xa. Những người mẹ, người vợ của những "bạn thuyền" ấy cũng ra đứng ở bến cảng để phụ bưng đồ lên tàu ghe và không quên gửi lời nhắn nhủ giữ gìn sức khỏe, mong cho chuyến biển trở về lúc nào cũng bình an.
Nếu được lựa chọn những thanh âm khiến tôi thích nhất ở làng chài Cửa Bé thì chỉ có thể là thanh âm nhộn nhịp của bến cảng khi tờ mờ sáng. Một thứ âm thanh rất đỗi quen thuộc của các bà, các mẹ, các chị mỗi sớm bình minh khi ra cảng và cả hình ảnh đoàn thuyền đầy cá trở về. Dường như nó là nhịp sống, nhịp sinh hoạt thân thuộc và không thể thiếu trong tiềm thức của bao thế hệ người con được sinh ra và lớn lên ở Cửa Bé này.
Ghe tàu đậu tấp nập trên sông Quán Trường.
Và cũng không thể không nhắc đến những thanh âm rộn ràng, huyên náo từ những nhạc cụ như: Trống, kèn, cặp sênh, đàn cò trong lễ hội Cầu ngư truyền thống ở nơi đây. Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của những ngư dân miền biển. Gần đến ngày, ông nội và ba tôi phải đi xuống đình Trường Đông để tập dượt trong đội nghinh rước Ông. Được ba dẫn xuống và ngồi một bên quan sát, tôi có cơ hội được tiếp cận với những nghi lễ quan trọng của ngày hội một năm chỉ diễn ra một lần. Cũng khi ấy, trong tâm hồn của mỗi đứa bé trai lại được nhen nhóm tình yêu với quê hương, với lễ hội đặc trưng này. Để rồi khi lớn lên, chúng tôi lại thay ông, thay ba tiếp tục tay cầm mái chèo chắc nịch, miệng ngân vang những câu hò bá trạo oai linh để mời Ông về đình trong 3 ngày 3 đêm bằng tấm lòng biết ơn, thành kính vì Ông luôn che chở và bảo vệ mọi ngư dân trong những chuyến khơi xa.
Hơn 3 thập kỷ sinh ra và lớn lên ở đây, thứ nuôi sống chúng tôi là nguồn lợi hải sản từ biển khơi; tắm mát giữa nguồn nước của con sông Quán Trường yên bình; đắm mình trong những câu chuyện ly kỳ được các anh, các chú kể lại sau mỗi chuyến ra khơi... Cứ thế, chúng tôi dần khôn lớn và trưởng thành trong vị mặn mòi của biển.
Sau hơn 30 năm, diện mạo của làng chài Cửa Bé đã thay đổi nhanh chóng, đường đất thay bằng đường nhựa; nhà chồ ven sông thay bằng nhà lầu kiên cố; cầu cảng xập xệ thay bằng cảng dân sinh, cảng du lịch khang trang. Làng chài Cửa Bé đã được đầu tư và chỉnh trang đúng với tiềm năng của một nơi được ưu tiên phát triển du lịch của thành phố.
Dẫu thời gian giúp chúng tôi lớn lên và chững chạc hơn, thế nhưng vẫn không làm vơi đi tình yêu với làng chài và niềm tự hào khi mình được sinh ra, lớn lên ở đây. Làng chài Cửa Bé tuy "bé" nhưng lại hào sảng, ôm trọn một tình người lớn lao và duy nhất. Về lại làng chài, tôi chỉ ao ước mình bé lại, chạy nhảy nô đùa cùng chúng bạn; được ăn những bữa cơm có ba mẹ ngồi chờ con về, có cả những con cá, con tôm tươi rói mới bắt lên sớm nay; được thấy lại chính mình của một thời thơ bé hồn nhiên, tinh nghịch. Nặng lòng với quê hương! Nặng lòng với làng chài Cửa Bé, nơi tôi luôn thuộc về, nơi cất giữ mảnh ký ức tuổi thơ quý giá trong tôi.
LÊ ĐỨC BẢO
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202404/lang-chai-cua-be-c853e03/