Liên kết sản xuất, chế biến măng theo chuỗi giá trị
Măng không chỉ là món ăn quen thuộc hằng ngày đối với đồng bào các dân tộc ở Sơn La. Vài năm trở lại đây, cây măng được phát triển và mở rộng vùng trồng, phục vụ mục đích kinh tế gắn với trồng rừng, hình thành các liên kết sản xuất, chế biến măng theo chuỗi giá trị nông dân - tổ hợp tác - hợp tác xã - doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tháng 4/2019, mô hình chuỗi măng sạch đầu tiên được triển khai tại 3 xã Xuân Nha, Tân Xuân và Chiềng Xuân (Vân Hồ) do Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi măng sạch huyện Vân Hồ” thuộc Chương trình GREAT của Chính phủ Úc tài trợ. Dự án đã đào tạo tư vấn thành lập các tổ hợp tác và HTX; hướng dẫn thu hái và chế biến măng rừng tự nhiên bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ các dụng cụ phục vụ chế biến, nhà xưởng, nhà sấy năng lượng mặt trời; liên kết sản xuất tiêu thụ với các công ty xuất khẩu. Ngoài ra, Dự án còn tư vấn hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử...
HTX sản xuất măng sạch Xuân Nha, bản Tưn, xã Xuân Nha là một trong những HTX măng sạch được thành lập sau khi Dự án triển khai tại huyện Vân Hồ. Bà Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX, chia sẻ: Hiện, HTX có 13 thành viên, có nhà ươm 1.000 m², nhà xưởng 500 m² và nhà sấy năng lượng mặt trời 100 m². HTX ký hợp đồng thu mua nguyên liệu măng từ các tổ hợp tác và ký kết hợp đồng sản xuất, cung cấp măng xuất khẩu với Công ty cổ phần Yên Thành. Năm 2021, được sự cho phép của Kiểm lâm và được hướng dẫn kỹ thuật thu hái măng tự nhiên bền vững, HTX thu hoạch và xuất khẩu 15 tấn thành phẩm măng hốc muối chua. Sản phẩm măng hốc muối chua đã được xây dựng thương hiệu, có tem nhãn trích xuất nguồn gốc và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với mục tiêu sản xuất măng hàng hóa, ngoài khai thác măng rừng tự nhiên, HTX đã vận động các thành viên chuyển đổi trồng mới 150 ha măng Bát độ xuất khẩu.
Còn HTX Tâm Tín, xã Gia Phù (Phù Yên) mới đăng ký tham gia phát triển mô hình liên kết trồng măng Bát độ xuất khẩu từ tháng 10/2021, đến nay liên kết thành lập được 8 tổ hợp tác trên địa bàn 5 xã: Sập Xa, Bắc Phong, Mường Thải, Mường Cơi và Mường Lang với hơn 500 hộ tham gia. Chuẩn bị kế hoạch sản xuất năm 2022, các tổ hợp tác đã đăng ký trồng mới 50 ha măng Bát độ. Ông Cầm Hoài Thanh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Măng Bát độ dễ chăm sóc, phù hợp phát triển ở những vùng đất cằn cỗi, đầu tư một lần thu hoạch tới 20 năm. Hiện nay, HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua sản phẩm măng Bát độ với Công ty cổ phần Yên Thành. HTX đang ươm 3 vạn cây giống, dự kiến tháng 5/2022 sẽ bàn giao cho các hộ, tổ hợp tác trồng mới. HTX đã cho các hộ trồng mới nợ 50% tổng giá trị cây giống, trả dần từ năm thứ 2 thu hoạch sản phẩm và sau 4 năm trồng.
Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi măng sạch huyện Vân Hồ” hiện đã được nhân rộng ra 19 xã của 5 huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Sốp Cộp, Sông Mã và Vân Hồ, với 7 HTX, 34 tổ hợp tác, hơn 2.900 hộ tham gia. Dự án đã hỗ trợ xây dựng được 3 vườn ươm cây giống măng Bát Độ quy mô 5 vạn cây giống/năm; hỗ trợ 23 nồi luộc măng cải tiến, 4 nhà sấy năng lượng mặt trời và 2 nhà xưởng chế biến cho các HTX. Hỗ trợ, tư vấn thành lập các chuỗi liên kết sản xuất măng xuất khẩu giữa nông dân - tổ hợp tác - HTX - doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bái), cho biết: Hiện nay, Công ty phát triển 3 dòng sản phẩm chính là măng muối, măng khô, măng ăn liền xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan và tiêu thụ trong nước. Công ty đầu tư cơ sở vật chất, cung ứng 70% vốn lưu động cho thu mua chế biến măng hàng năm; chuyển giao kỹ thuật từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm cho HTX. Khi vùng nguyên liệu tại Sơn La đạt 10.000 tấn nguyên liệu, Công ty cùng với đối tác Nhật Bản dự kiến xây dựng nhà máy chế biến măng xuất khẩu tại tỉnh.
Đến năm 2025, dự kiến vùng nguyên liệu măng Bát độ trên địa bàn tỉnh sẽ tăng khoảng 5.000 ha, tổng sản lượng khoảng 50.000 tấn nguyên liệu. Để phát triển mô hình trồng măng Bát độ bền vững, hiệu quả cần phát triển mở rộng vùng trồng theo quy hoạch; duy trì và mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông dân - tổ hợp tác - HTX - doanh nghiệp xuất khẩu, cam kết về giá, đầu ra ổn định cho các HTX và tổ hợp tác. Các HTX, tổ hợp tác củng cố bộ máy tổ chức, tài chính, nâng cao năng lực, khả năng quản trị... nhằm tạo việc làm, thu nhập bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.