Liên kết trong sản xuất tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững

Đề án 'Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020' đã đem lại nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực lúa, gạo của tỉnh. Cùng với đó là việc hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và tập hợp bà con nông dân vào các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng cao để liên kết với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tạo sự bền vững trong khâu sản xuất và tiêu thụ lúa.

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020” đã đem lại nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực lúa, gạo của tỉnh. Cùng với đó là việc hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và tập hợp bà con nông dân vào các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng cao để liên kết với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tạo sự bền vững trong khâu sản xuất và tiêu thụ lúa.

Mô hình cánh đồng lớn ngày càng mở rộng, tập hợp nông dân vào THT, HTX sản xuất các giống lúa chất lượng cao, thu hút nhiều công ty, doanh nghiệp đến liên kết tiêu thụ lúa. Ảnh: THÚY LIỄU

Mô hình cánh đồng lớn ngày càng mở rộng, tập hợp nông dân vào THT, HTX sản xuất các giống lúa chất lượng cao, thu hút nhiều công ty, doanh nghiệp đến liên kết tiêu thụ lúa. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích lúa gieo trồng hàng năm trên địa bàn tỉnh là 353.678ha, trong đó diện tích lúa đặc sản đạt 178.095ha, sản lượng lúa đạt trên 2,1 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản hơn 52%. Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh (có sản xuất lúa) đều tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, với tổng số có 243 cánh đồng, diện tích 52.122ha và đã ký kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp. Theo đó, hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ lúa khá đa dạng, như: cung cấp giống, vật tư đầu vào đến cuối vụ, thỏa thuận giá ngay từ đầu vụ và ký hợp đồng bao tiêu. Thông qua các hình thức liên kết đã giúp cho nhiều THT, HTX giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đảm bảo đầu ra và hơn hết là lợi nhuận được đảm bảo tốt sau mỗi mùa vụ thu hoạch.

Là một trong những HTX được thành lập và đi vào hoạt động đạt nhiều kết quả nổi bật trong khâu liên kết đầu vào, đầu ra về sản xuất lúa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức (Long Phú) Trương Văn Hùng chia sẻ, sau gần 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, hầu hết thành viên tham gia vào HTX có đời sống khởi sắc, khi đầu ra sản phẩm lúa có doanh nghiệp bao tiêu và vật tư đầu vào dành cho cây lúa giảm đáng kể, khi HTX liên kết trực tiếp cùng đơn vị cung ứng hạt giống, kể cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được các dự án, chương trình hỗ trợ về nhà kho, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp. Tính từ khi thành lập đến nay, HTX đã ký kết 7 hợp đồng liên kết tiêu thụ với tổng diện tích sản xuất 675ha, trong năm 2020, HTX đã ký kết hợp đồng cùng 2 công ty ngoài tỉnh liên kết thu mua diện tích lúa 94ha, tổng sản lượng 828 tấn. Tới đây, để đầu ra sản phẩm lúa tốt hơn cũng như giảm giá thành sản xuất, HTX tiếp tục thực hiện các khâu liên kết trong sản xuất, như: gieo sạ, làm đất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm và mời gọi ít nhất 3 doanh nghiệp/năm liên kết thu mua lúa sau thu hoạch trên tổng số 609ha tại HTX.

Hơn 11 năm thành lập HTX cũng là khoảng thời gian HTX Sản xuất lúa giống và Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Tiền (TX. Ngã Năm) đã ký kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lúa đầu ra. Ông Quách Văn Quang - Giám đốc HTX Sản xuất lúa giống và Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Tiền chia sẻ: “HTX có tổng diện tích 200ha, 45 thành viên, diện tích trên có khoảng 70ha sản xuất giống cung ứng doanh nghiệp, còn lại sản xuất lúa thương phẩm liên kết doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, thường HTX chỉ sản xuất các giống lúa thơm nhẹ, lúa đặc sản và toàn bộ diện tích lúa được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Song song đó, HTX cũng ký hợp đồng với nhiều công ty để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên giá được tốt, kể cả lúa giống thương phẩm HTX tự sản xuất cung cấp cho các thành viên. Nhờ lúa chất lượng tốt và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nên năng suất lúa đạt từ 7 - 7,5 tấn/ha, giá lúa từ 6.500 - 7.000 đồng/kg, trừ chi phí thì thành viên thu lợi nhuận 40 triệu - 45 triệu đồng/ha”.

Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Ngọc Nhã thông tin: “Trong giai đoạn 2017 - 2020, diện tích lúa liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp là 178.880ha, cùng với đó trên địa bàn tỉnh có gần 1.300ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 10ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ và hơn 330ha lúa, sản lượng gần 4.500 tấn/năm được cấp chứng nhận VietGAP. Để tiếp tục nâng chất lượng lúa gạo của tỉnh, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP, canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đồng thời, kêu gọi công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ lúa cho bà con nông dân, đặc biệt là tạo mối liên kết tiêu thụ bền vững giữa các bên…”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/lien-ket-trong-san-xuat-tao-da-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-48834.html