Lợi nhuận ngân hàng chưa như kỳ vọng, áp lực nợ xấu
Tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế quý III và 9 tháng năm 2024 của hệ thống ngân hàng có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Có đơn vị lãi tăng bằng lần, có đơn vị giảm sâu và thậm chí lỗ.
Lợi nhuận phân hóa
Mới đây, Techcombank đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2024. Theo đó, trong quý III/2024, Techcombank tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội với các chỉ số được duy trì trong nhóm các ngân hàng hiệu quả dẫn đầu thị trường. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng của Techcombank đạt tới 22.800 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank ghi nhận tăng 17,1%, lên mức 8.300 tỷ đồng, trong đó mức tăng khả quan từ phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 2.541 tỷ đồng, tăng 110,6%. "Mức độ tăng trưởng này phản ánh sự khác biệt trong sản phẩm "may đo" cho nhu cầu khách hàng của ngân hàng khi thị trường chứng kiến niềm tin của người tiêu dùng dần quay trở lại, mặc dù còn ở mức độ khá thấp" - đại diện lãnh đạo Techcombank đánh giá.
Thống kê lợi nhuận của 26 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán quý III đạt 56.059 tỷ đồng, tăng trưởng đến 17% so với nền thấp cùng kỳ năm trước.
Xét về giá trị tuyệt đối, có 6 ngân hàng tăng lãi hơn nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đó là Vietcombank, Tecombank, VietinBank, VPBank, HDBank và LPBank.
Trong đó, Vietcombank giữ vững phong độ “anh cả” ngành khi lãi sau thuế 8.572 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ kinh doanh ngoại hối, các mảng còn lại của nhà băng này đều ghi nhận sự tăng trưởng.
Hay như VPBank có tốc độ tăng lợi nhuận đến 71,5% khi đạt 4.164 tỷ đồng – mức cao nhất 2 năm qua, HDBank và VietinBank lần lượt tăng lãi 41% và 33%.
Tương tự LPBank báo lãi 2.330 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Bên cạnh thu nhập lãi thuần, mảng dịch vụ của LPBank bứt phá mạnh từ 164 tỷ đồng lên 1.016 tỷ đồng – nhân tố chính giúp lợi nhuận tăng.
Bên cạnh những ngân hàng lớn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hoặc giảm trong quý III/2024.
Đơn cử, SaigonBank cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2024 ước đạt hơn 200 tỷ đồng, giảm gần 19,5% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện xấp xỉ 55% kế hoạch 2024 (cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của SaigonBank đạt hơn 248 tỷ đồng).
Trước đó, SaigonBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hơn 166 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của SaigonBank trong quý III/2024 ước đạt 34 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận trong 9 tháng của BaoViet Bank cũng chỉ ở mức hơn 32 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng 27,4% so với cùng kỳ, trong khi mảng dịch vụ tăng trưởng 31%. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tăng trưởng 85%. Nhưng bên cạnh đó, ngân hàng đã tăng 35% trích lập dự phòng so với cùng kỳ năm trước.
OCB báo lãi quý III đạt 347 tỷ đồng, giảm đến 68% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà băng báo lãi giảm trên hai chữ số như MSB, VIB, SHB, KLB. Trong khi đó, ABBank lại báo lỗ quý III với 285 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước có lãi 24 tỷ đồng.
Những con số này phần nào "hé lộ" bức tranh lợi nhuận với những mảng sáng-tối đan xen, do có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng trong hệ thống.
Lợi nhuận gặp khó vì dự phòng rủi ro
Nhìn chung, những kết quả khả quan trong quý III/2024 cho thấy lợi nhuận tăng tại một số ngân hàng là do tăng cường hiệu quả kinh doanh và quản lý chi phí đã giúp đạt được lợi nhuận vượt trội. Mảng cho vay tiêu dùng kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể hơn vào tốc độ tăng tín dụng chung.
Như PGBank, động lực tăng trưởng chính của lợi nhuận trong quý III của ngân hàng này đến từ thu nhập lãi thuần, tăng trưởng tới 49% so với cùng kỳ và đạt 416 tỷ đồng. Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2024 đạt 1.106 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ, đến từ việc tăng trưởng mạnh trong thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi, trong khi chi phí hoạt động giảm so với quý III/2023.
Hoạt động tín dụng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng. Đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng đã tăng 9% so với đầu năm và 16% so với cùng kỳ 2023, vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm của Chính phủ là 14-15%. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng tăng cường hoạt động cho vay, hỗ trợ tăng trưởng thu nhập lãi.
Tuy vậy nợ xấu vẫn tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. Báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng niêm yết nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5 - nhóm nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh.
ABBank cho biết, lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng do ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng theo diễn biến thực tế cũng như bối cảnh chung về tổng cầu thị trường bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của thiên tai.
Lợi nhuận trong quý III giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, Saigonbank cho biết việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã khiến thu nhập lãi thuần giảm 3% trong 9 tháng và kéo theo lợi nhuận tụt 18%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 2,2%, trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước; VIB lý giải lợi nhuận giảm do hỗ trợ lãi suất, đầu tư mở rộng và trích lập dự phòng…
Sự phân hóa về lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét. Các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa sẽ khó hơn, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay, nên NIM (biên lợi nhuận) khó tăng cao. Trong khi đó, nợ xấu ở các nhà băng này có xu hướng tăng, do chất lượng tài sản đi xuống. (PSG-TS Nguyễn Hữu Huân -Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh)
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, các tác động từ thiên tai như bão Yagi được dự báo sẽ không gây quá nhiều ảnh hưởng nhờ vào những chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, VCBS cũng cảnh báo về sự phân hóa trong chất lượng tài sản giữa các ngân hàng. “Những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ kiểm soát được nợ xấu và nợ tái cơ cấu ở mức vừa phải. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp, và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ đối mặt với rủi ro gia tăng nợ xấu và áp lực trích lập dự phòng cao trong giai đoạn 2024-2025”- VCBS nhận định.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/loi-nhuan-ngan-hang-chua-nhu-ky-vong-ap-luc-no-xau.html