Mùa giá lạnh
Năm nào cũng vậy cứ khi những cơn gió heo may của mùa thu thướt tha ngang qua từng khu phố, người dân Lào Cai vẫn còn nhẩn nha với những khúc tình lãng mạn của mùa thu ngọt ngào. Ấy vậy mà năm nay mới lướt qua vài cung đàn đâu có đôi, ba tuần, nàng thu đã vội vã tạ từ để mùa đông giăng mùng ngoài ô cửa. Trời chưa lập đông mà chỉ cần mở cánh cửa nhỏ là mọi tái tê đã ào vào lục tung tất cả. Là vùng núi cao, nên năm nào lạnh giá cũng ghé thăm, nhưng năm nay đột ngột, không báo trước, dự những tháng ngày sau đó sẽ là giá rét sắt da.
Mùa này lên những vùng trứ danh của tỉnh về lạnh giá như Sa Pa, Y Tý, Si Ma Cai, Bắc Hà lúc nào cũng chơi vơi rồi chìm nghỉm giữa những biển sương mù dày đặc. Đang ngồi giữa thành phố ấm áp mà tôi cũng phải rùng mình nghĩ đến những cung đường vùng cao vùn vụt gió mùa đông. Bầu trời như sụp xuống. Cảnh vật cũng trở nên cô liêu, quạnh quẽ. Đông về lạnh đến nao lòng!
Chiều đông vùng núi, trời sập tối rất nhanh. Trong chốc lát, sương mù đã giăng kín những triền đồi xa xa heo hút. Mới 5h chiều, đứng trên núi cao nhìn xuống, cả bản làng đã chìm nghỉm trong bóng tối. Không gian trở nên tĩnh mịch, hoang vu, chỉ còn tiếng gió núi vi vút thổi. Đêm mùa đông, vùng cao như dài hơn và lạnh, rất lạnh. Trong cái lạnh cứa rát da thịt, người xa quê thường cồn cào nhớ, nhớ quê, nhớ người thân, nhớ dáng mẹ hao gầy cùng năm tháng, lam lũ nuôi đàn con khôn lớn trưởng thành, nhớ những ngày đông rét mướt tới trường mà bàn tay tê cóng…
Trong cái rét khắc nghiệt của vùng cao, ta mới thấu hiểu được sự vất vả của người dân nơi đây. Mùa đông với họ là cái rét tái tê trong những ngôi nhà gỗ, thậm chí là nhà vách nứa giữa lưng đồi hiu quạnh. Vạn vật ngủ vùi trong giá lạnh, nên mùa màng không thể gieo trồng. Có những năm rét cực đại, đất trời còn đóng băng, phủ tuyết. Những dòng nước trở thành “dòng nước chết”. Cây cối bị băng bao phủ héo rũ. Rồi cả những đàn gia súc, gia cầm bị cước chân, mắc dịch bệnh mà chết. Cuộc sống đôi khi tưởng như cùng cực, nhưng những người con của núi ấy vẫn ngập tràn khát khao, hy vọng, vẫn trỗi dậy một sức sống tiềm tàng như cây sa mu giữa đại ngàn nắng gió.
Ai đã từng đi qua những mùa đông vùng cao mới cảm nhận hành trình đi tìm cái chữ đầy gian nan của các trò nhỏ vùng cao, biên giới. Còn nhớ những mùa năm trước, trời rét căm căm là vậy, mà các em vẫn đầu trần, chân đất, rét run cầm cập, trên người chỉ có một manh áo phong phanh. Những đôi môi tím ngắt, những bàn tay lạnh buốt, khiến ai ngang qua cũng mong san sẻ thật nhiều để sự gian nan, cực nhọc của các em được vơi bớt phần nào. Và thật may mắn khi vài năm trở lại đây, mô hình trường học bán trú được thực hiện ở tất cả các xã vùng khó khăn trong tỉnh. Tất cả các em học sinh từ lớp 3 trở lên đều được ăn ở, học tập tại trường chính. Những bữa ăn nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng; những chiếc áo ấm đầy nghĩa tình của của thầy cô, của các đoàn thiện nguyện chính là sự sẻ chia, là động lực để các em bước tiếp trên con đường chinh phục tri thức, viết tiếp ước mơ vượt khó, xây dựng bản làng, quê hương.
Để đi qua mùa đông, ở vùng cao, nhà nào cũng có bếp củi để sinh hoạt và sưởi ấm trong những ngày lạnh giá. Bếp củi là nơi mà chủ nhà đón tiếp khách quý bằng những ly rượu hay những chén trà nóng hổi. Sự ấm áp trong những câu chuyện quên thời gian thường khiến chủ và khách thêm gần gũi và hiểu nhau hơn.
Thời gian cứ mải miết trôi, ngoảnh nhìn giờ đã bước sang tháng cuối cùng của năm. Dọc các triền đồi, những cây đào rừng đã bắt đầu khoe sắc, màu hoa phớt hồng giữa làn sương mỏng manh như tô thêm vẻ huyền ảo của bức tranh mùa đông vùng biên ải. Dưới xuôi, mùa hoa cải cũng bắt đầu nở vàng trên những triền đê…
Ngày đông là vậy đó, dẫu có buốt giá một màu ảm đạm, nhưng vẫn mang cho ta những cảm xúc thiết tha!
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351124-mua-gia-lanh