Nét đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền qua lăng kính của sinh viên ba miền
Là ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, Tết Nguyên Đán luôn mang đậm những giá trị văn hóa và phong tục truyền thống. Dù vậy, giữa ba miền Bắc, Trung, Nam vẫn lưu giữ những nét đặc trưng rất riêng, tạo nên sự khác biệt và độc đáo trong văn hóa đón chào năm mới.
Nhắc đến Tết cổ truyền ở miền Bắc, người ta thường nhắc nhau câu cửa miệng: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” và đó cũng là những thứ đặc trưng cần có trong ngày Tết ở mỗi gia đình.
Trong đó, bánh chưng được xem là biểu tượng ngày Tết của người miền Bắc. Gói bánh chưng cũng đã trở thành phong tục không thể thiếu của người dân nơi đây và là hoạt động truyền thống mà nhiều người mong đợi vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Hoàng Hải Tuyên - sinh viên trường Đại học Thủy Lợi chia sẻ: “Mình thích nhất là được ngồi sum vầy bên gia đình cùng gói bánh chưng, cùng ăn bữa cơm tất niên và cùng xem Táo Quân đêm 30 Tết. Điều đó thật sự rất tuyệt vời vì sau một năm bộn bề với cuộc sống thì đây là dịp tạm gác lại lo toan để ở bên những người mình yêu thương.”
Nếu như ở miền Nam thường có hoa mai ngày Tết thì miền Bắc lại phổ biến với những cành đào hồng thắm. Tuyên cho biết ngay từ đầu tháng Chạp, khắp mọi nẻo đường đã bắt đầu bày bán hoa đào. Nhà nào cũng chọn cho mình một gốc đào đẹp để đón Tết Nguyên Đán. Đây là loài hoa thích hợp với khí hậu se lạnh đặc trưng của miền Bắc, đồng thời tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, may mắn và sung túc cho năm mới.
Nhìn lại những cái Tết thuở bé, Tuyên cảm thấy Tết nay đã thay đổi rất nhiều. Ví dụ như việc sắm Tết, đôi khi chỉ cần ngồi tại nhà rồi truy cập vào các sàn thương mại điện tử hoặc các cửa hàng trực tuyến để đặt mua thì sau đó đồ sẽ được vận chuyển đến tận nhà chứ không phải ra trực tiếp hàng, quán như trước đây nữa. Dù vậy, Tết vẫn luôn giữ được những nét văn hóa, giá trị truyền thống vốn có.
Những ngày đầu năm mới, ngoài đi thăm và chúc Tết người thân, bạn bè, chàng trai trẻ còn đi chùa để cầu bình an và lên kế hoạch cho chuyến du xuân của mình.
Tuyên bày tỏ: “Chúc các bạn đọc có năm mới vạn sự như ý, may mắn, bình an và hạnh phúc. Mong rằng chúng ta đều có thể vượt qua những khó khăn, thử thách của năm 2024 này và đạt được điều mình mong muốn.”
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, Phạm Tâm Anh Thy - sinh viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Tết miền Trung không thể thiếu những cành hoa mai. Màu vàng của hoa mai tạo nên một không khí Tết vô cùng rộn ràng và phấn khởi cho mọi nhà. Bên cạnh đó, người miền Trung còn rất chuộng trưng bày nhiều loại hoa khác. Như gia đình mình hằng năm đều trưng đa dạng các loại như: hoa mai, hoa cúc, hoa lan, cây quất,... Chúng không chỉ trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp mà còn khiến mình cảm thấy rạo rực trong lòng và mong chờ Tết đến thật nhanh.”
Gần 20 năm đón Tết ở quê nhà, đối với Thy, Tết cho đến thời điểm hiện tại chỉ thay đổi một chút. Thy chia sẻ: “Đa phần mọi người sẽ đón Tết ở nhà cùng người thân, song cũng có một vài hộ gia đình chọn đón năm mới ở những nơi xa hoặc đi du lịch. Nhưng nhìn chung, Tết Việt vẫn giữ được nét truyền thống vốn có của nó. Người miền Trung nơi mình vốn rất dễ thương, chân chất, thật thà và coi trọng tình cảm. Gần nhà mình cũng có một vài hộ gia đình tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét nên mình có cơ hội được đến trải nghiệm và làm cùng. Mọi người quây quần bên nhau thật vui vẻ và ấm cúng, rồi kể cho nhau về những chuyện trong năm vừa qua, điều đó khiến tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn.”
Như mọi năm, Tết năm nay Thy vẫn giữ truyền thống mặc áo dài đi lễ chùa vào ngày mùng 1 và cùng gia đình đi chúc Tết ông bà, họ hàng. Đây cũng là dịp để Thy được hội ngộ cùng những người bạn phương xa đã lâu chưa gặp.
Chào Xuân Giáp Thìn 2024, Thy nhắn gửi: “Năm mới với sự khởi đầu mới, mình xin chúc các bạn đón Tết thật an vui, hạnh phúc bên gia đình và những người thân yêu. Xin được chúc cho những dự định, những công việc của mọi người trong năm nay sẽ thật suôn sẻ và thành công viên mãn!”
Theo học ở miền Nam, Trinh nhận thấy không khí chào đón năm mới đã rộn ràng từ rất sớm.
“Mình thấy năm nay mọi người chụp ảnh rất nhiều. Có thể thấy nổi bật ở các địa điểm như chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập,... Già trẻ, gái trai, ai ai cũng khoác trên mình bộ áo dài để lưu lại những hình ảnh đậm chất Tết. Nơi đây cũng có rất nhiều đêm nhạc hội và những màn bắn pháo hoa hoành tráng.” - Trinh chia sẻ.
Một điều đặc biệt của Xuân Giáp Thìn mà Trinh cảm thấy rất ấn tượng đó là việc các tỉnh thành trên cả nước đều thi nhau trang trí những linh vật rồng rất đẹp và kỳ công. Mỗi một nơi đặt linh vật lại trở thành một địa điểm “check-in” vô cùng thu hút và các trang phục truyền thống cũng được ưu tiên lựa chọn khi chụp ảnh tại đây càng làm tăng thêm không khí Tết.
Bảo Trinh cho rằng mỗi vùng miền đều có những đặc trưng khác nhau nhưng vẫn mang cùng một nét truyền thống văn hóa của Tết Việt. Ở quê nhà Phú Yên của Trinh, mặc dù không đông đúc như miền Nam - nơi Trinh sinh sống và học tập - nhưng cũng không kém phần rộn ràng vào mỗi dịp Tết với những phiên chợ tấp nập hay những bữa tiệc dân dã. Nét đặc trưng mà Trinh thích nhất trong những ngày xuân là khoảnh khắc xem bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.
Nữ sinh bày tỏ: “Nhân dịp Tết đến xuân về, Bảo Trinh chúc cho mọi người trên khắp mọi miền tổ quốc sẽ có một năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý và gặt hái nhiều thành công. Chúc tất cả mọi người một năm 2024 rực rỡ và hạnh phúc!”
(Ảnh do các nhân vật cung cấp)