Nhiệm vụ và giải pháp phát triển tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư tỉnh ủy Sơn La phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư tỉnh ủy Sơn La phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 14.109 km², với trên 274 km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; dân số trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc cùng sinh sống; tỉnh có 12 huyện, thành phố, 204 xã, phường, thị trấn với 2.509 bản, tiểu khu, tổ dân phố. Là tỉnh nằm ở trung tâm của khu vực Tây Bắc, kết nối giao thương thuận lợi với các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu... Tỉnh có 408.970 ha đất nông nghiệp, chiếm 28,98% diện tích đất tự nhiên, có 2 cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai phì nhiêu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, cây công nghiệp; có 40.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch.

Sau chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ", theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, từ những năm 1958 nhiều nông, lâm trường quốc doanh đã hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh, đặc biệt nông trường bò sữa Mộc Châu; nông trường chè Cờ Đỏ, Chiềng Ve; nông trường ngô, mía Tô Hiệu Mai Sơn… Từ các mô hình sản xuất nông nghiệp của các nông, lâm trường quốc doanh đã lan tỏa tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản suất hàng hóa, bước đầu hình thành liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Kế thừa những thành tựu đã đạt được và phát huy tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai; nhiệm kỳ qua tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình trồng cây ăn quả trên đất dốc, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; tập trung phát triển các loại nông sản, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang tính đặc trưng của địa phương; dần hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như: phát triển 81.177 ha cây công nghiệp (với sản lượng 621.286 tấn Mía, 50.046 tấn Chè búp tươi, 26.729 tấn Cà phê nhân, 4.700 tấn Cao su...); 82.805 ha cây ăn quả (nhãn, xoài, mận, chuối, sơn tra, cây có múi…) với sản lượng 392.122 tấn và 129.406 ha cây lương thực có hạt (như ngô, lúa)…; ngoài ra trên địa bàn tỉnh có 1,3 triệu con gia súc, 7,3 triệu con gia cầm các loại, sản lượng thịt hơi đạt 75.423 tấn, sản lượng sữa tươi đạt 96.100 tấn; nhiều mô hình nuôi thủy sản đặc sản có hiệu quả kinh tế cao với diện tích 2.769 ha và 8.830 lồng cá, sản lượng đạt 8.550 tấn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 740 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 24 sản phẩm mang địa danh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 83 sản phẩm OCOP; 220 khu vực cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn (32 chuỗi rau, 152 chuỗi quả, 11 chuỗi chè, cà phê, 28 chuỗi thủy sản an toàn…).

Nông nghiệp Sơn La đã dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nông nghiệp, nông thôn phát triển đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; giải quyết những khó khăn, các vấn đề bức xúc của xã hội. Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, cho doanh thu từ 200 - 800 triệu đồng/ha trở lên. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng; đây là tiền đề, là lợi thế cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La; tiếp tục khẳng định phát triển công nghiệp chế biến nông sản là lựa chọn đúng đắn để xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững đối với tỉnh miền núi Tây Bắc, giao thông đi lại còn khó khăn.

Về thực trạng phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La:

Với nhiều lợi thế về vùng nguyên liệu, trong những năm qua công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La đã hình thành và phát triển với nhiều sản phẩm chế biến đa dạng, phong phú, chất lượng và giá trị sản phẩm chế biến được nâng cao, xây dựng được thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước.

Toàn tỉnh Sơn La có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu; các nhà máy, cơ sở tập trung chế biến các sản phẩm sữa, đường, cà phê, chè, các sản phẩm từ các loại rau, củ, quả. Đặc biệt một số tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực, uy tín trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản trong và ngoài nước đã và đang đầu tư các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh như: Vinamilk (đầu tư Nhà máy chế biến sữa tại Mộc Châu); Tập đoàn TH (Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ); Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao (Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La); Tổng công ty chè Việt Nam - CTCP (Vinatea); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...

Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh hàng năm tăng trưởng khá (trên 9%/năm trong giai đoạn 2015-2020) và trở thành điểm sáng trong ngành công nghiệp của tỉnh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cơ bản được đưa vào chế biến 100% sản lượng, như: sữa, cà phê, mía đường, chè, sắn; riêng sản phẩm quả hiện nay tỷ lệ đưa vào chế biến đạt gần 30% sản lượng quả tươi.

Có thể khẳng định, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của Sơn La đang là trụ đỡ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời là tiền đề để phát triển nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và giúp nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đóng góp vào thu ngân sách cho địa phương.

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn đó là: phát triển các cơ sở chế biến chưa gắn với các khu, cụm công nghiệp; quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ; chưa khai thác hết lợi thế vùng nguyên liệu; công nghệ, dây truyền sản xuất, hệ thống xử lý chất thải, nước thải còn hạn chế; sản phẩm chế biến sâu còn ít, giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; đóng góp cho ngân sách địa phương còn ở mức thấp.

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời dưới ánh sáng của Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, Sơn La quyết tâm triển khai nghiêm túc, quyết liệt để xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; trong đó tỉnh Sơn La xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt triển khai và xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị một cách có hiệu quả, trong đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện của tỉnh để tập trung lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

2. Chỉ đạo rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng nguyên liệu; các phương án phát triển nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh làm cơ sở cho phát triển bền vững; phát triển công nghiệp gắn với các klhu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng logistics thuận lợi.

3. Chỉ đạo khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với các cơ sở chế biến, bảo quản, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp, đặc biệt là phát huy vai trò của HTX trong việc kết nối giữa người nông dân với các cơ sở chế biến.

4.Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường trong sản xuất, quảng bá, kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm; nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện có (Vinamilk, chè, cà phê, chăn nuôi…)

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có uy tín, năng lực mang tầm quốc gia, quốc tế đến Sơn La đầu tư các nhà máy chế biến gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống kho bảo quản.

5. Tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo hành lang phát triển mới gắn với xây dựng các chuỗi liên kết ngang, dọc với quy mô và hình thức liên kết đa dạng, phù hợp với từng sản phẩm, từng địa phương: Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa Nông dân - HTX - Doanh nghiệp chế biến; liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà Băng; liên kết giữa các nhà máy chế biến; liên kết giữa Doanh nghiệp chế biến với tập đoàn phân phối, xuất khẩu,...

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, tỉnh Sơn La xác định tập trung vào 5 nhóm giải pháp như sau:

Thứ nhất, Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh, trong đó có mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thứ hai, Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách toàn diện, trọng tâm là cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa; rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách, các quy trình, thủ tục đầu tư, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng đầu tư quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển công nghiệp chế biến, các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm logistics,...

Thứ ba, Tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp chế biến nông sản: đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng điện, nước, giao thông, đặc biệt là các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh mang tính kết nối cao như: các tuyến đường đến trung tâm các xã, các vùng nguyên liệu, đến các khu, cụm công nghiệp, tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, sân bay Nà Sản...

Thứ tư, Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu của sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón, chăm sóc, bảo quản); trong chế biến, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Thứ năm, Tiến hành rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung bền vững theo 3 cấp sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương, mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”), lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực của từng vùng, từng huyện, thành phố. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Trọng tâm là:

- Xây dựng và hình thành 01 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào mở rộng vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất chế biến trên địa bàn tỉnh, giao thương xuất khẩu nông sản giữa các tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới và củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Lào nói chung, giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng.

- Hình thành một số khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến, trung tâm giống...) gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản.

- Thu hút các tập đoàn, công ty “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường đầu tư vào tỉnh, góp phần chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”; gắn kết các tác nhân trong chuỗi. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông-nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà băng-nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - HTX- nhà doanh nghiệp.

Một số kiến nghị, đề xuất: Để giúp tỉnh Sơn La sớm xây dựng, phát triển trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tỉnh Sơn La trân trọng đề xuất một số nội dung như sau :

1. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành Trung ương:

- Chủ trì, phối hợp với Sơn La và các địa phương xây dựng Đề án hình thành, phát triển hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, trong đó có các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù giúp Sơn La trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc và trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

- Cân đối, bố trí vốn hỗ trợ tỉnh Sơn La, tỉnh Hòa Bình đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La, trước mắt là đầu tư đoạn tuyến Hòa Bình - Mộc Châu và sân bay Nà Sản để tăng tính kết nối, giao thương, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm sau chế biến.

2. Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp tục chỉ đạo tăng cường phối hợp, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác phát triển kinh tế xã hội; hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết vùng trong kinh tế nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhiem-vu-va-giai-phap-phat-trien-tinh-son-la-tro-thanh-trung-tam-che-bien-san-pham-nong-nghiep-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-49432