Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Phải nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân'

Tại hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, khát vọng làm giàu, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, làm mới động lực và xây mới thêm động lực,… của người nông dân, để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, và người nông dân phải thật sự có đời sống ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi đối thoại với nông dân, chiều 30/12. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. (ảnh chụp màn hình trực tuyến)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi đối thoại với nông dân, chiều 30/12. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. (ảnh chụp màn hình trực tuyến)

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc vào chiều 30/12, với sự tham dự của hơn 4.100 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, các nhà khoa học và nông dân, đại diện HTX tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh.

Nội dung đối thoại xoay quanh chủ đề: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”.

Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt.

Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt.

Tại hội nghị, có 6 nhóm vấn đề được các đại biểu và bà con nông dân đặt ra với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành.

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết, nhiều nông dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như: phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.

Nhiều ý kiến của nông dân kiến nghị cần có nhiều hơn nữa giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án “1 triệu hécta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL” mà Thủ tướng đã ký quyết định ban hành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp, như hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số.

Hay như các vấn đề liên quan sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững; giải pháp, chính sách xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh, mương. Phản ảnh tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề chưa khoa học, thiếu tính khả thi để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống.

Bên cạnh đó, còn có một số kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho người nông dân.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.

Trước những ý kiến của nhiều bà con nông dân và HTX tại buổi đối thoại, nhất là trong việc làm thế nào để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì một hộ không làm được vì quy mô rất nhỏ. Muốn làm kinh tế phải có sản lượng lớn, vì thế trước tiên nông dân phải cùng làm với nhau.

“Hiện nay diện tích đất nông nghiệp của chúng ta bình quân chỉ khoảng 0,27 ha/người, rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Mà quy mô càng nhỏ thì chi phí càng lớn, và tất nhiên rất khó để cạnh tranh. Do đó, cần phải tiến hành liên kết để biến những mảnh đất nhỏ, những mảnh vườn nhỏ trở thành một đại điền”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.

Chỉ ra thêm những tồn tại của nền nông nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: “Điều quan trọng nhất là chúng ta sản xuất bán được ở đâu, và cuối cùng người nông dân thu nhập được bao nhiêu trên đơn vị diện tích đấy. Trong nông nghiệp hiện nay có 4 vấn đề mấu chốt: Giống; phân bón, thuốc trừ sâu; nuôi trồng và thu mua, chế biến, bảo quản, bán ra thị trường. Hiện nay người nông dân đang làm đúng khâu thứ 3 là nuôi, trồng”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì một hộ không làm được vì quy mô rất nhỏ. Muốn làm kinh tế phải có sản lượng lớn, vì thế trước tiên nông dân phải cùng làm với nhau. (ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì một hộ không làm được vì quy mô rất nhỏ. Muốn làm kinh tế phải có sản lượng lớn, vì thế trước tiên nông dân phải cùng làm với nhau. (ảnh minh họa)

Phát biểu kết luận sau đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng và Chính phủ luôn chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, và đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, nghị quyết để cụ thể hóa lĩnh vực này. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; triển khai nhiều đề án, dự án, chiến lược lớn, quan trọng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đóng góp của nông nghiệp, nông dân và nông thôn là hết sức to lớn, là trụ đỡ của nền kinh tế và nền tảng cho nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng cũng nhận định, tuy đã đạt được thành tựu to lớn nhưng nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, trình độ của người dân có lúc, có nơi còn hạn chế,… đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn nữa.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Tăng cường liên kết để ra tạo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh lành mạnh hiệu quả; sản xuất xanh, hiệu quả cao nhưng phát thải phải ít; tăng cường chế biến sâu,… Muốn làm được việc này phải có liên kết, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Song song với đó, các bộ, ngành phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; nâng cao hiệu quả các chính sách tín dụng để hỗ trợ nông dân; lấy nông dân làm trung tâm, là chủ thể, và nông dân phải tham gia trong quá trình xây dựng chính sách.

Thủ tướng khẳng định, Nhà nước đảm bảo hạ tầng phục vụ sản xuất cho người nông dân. (ảnh minh họa)

Thủ tướng khẳng định, Nhà nước đảm bảo hạ tầng phục vụ sản xuất cho người nông dân. (ảnh minh họa)

Ngoài ra, Thủ tướng còn chỉ đạo chủ động hội nhập quốc tế, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn quốc tế để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tích cực hội nhập để tiếp cận những tiến bộ cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tập trung phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển xanh, kết nối vùng, kết nối toàn quốc và kết nối quốc tế,.. Phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh hơn nữa kinh tế số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-phai-nang-cao-vai-tro-vi-the-nang-luc-lam-chu-cua-nguoi-nong-dan--a30719.html