Xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững
Dịch COVID-19 lây lan ra trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và bùng phát mạnh ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia... đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Một lần nữa, vấn đề phát triển kinh tế bền vững, tự chủ, có khả năng chống và thích ứng các biến động cao, khơi dậy nội lực, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước, khuyến khích doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển đã được cấp thiết đặt ra. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Dịch COVID-19 lây lan ra trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và bùng phát mạnh ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia... đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Một lần nữa, vấn đề phát triển kinh tế bền vững, tự chủ, có khả năng chống và thích ứng các biến động cao, khơi dậy nội lực, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước, khuyến khích doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển đã được cấp thiết đặt ra.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm 2020 cho thấy hàng loạt chỉ số giảm tăng trưởng. Cụ thể, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Tính chung hai tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ tiêu tăng trưởng của công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình khống chế dịch bệnh. Cụ thể, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I-2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I-2020 chỉ tăng 5,18% so cùng kỳ 2019; trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành công nghiệp chỉ tăng 6,28% trong quý I, dự kiến trước đây là 10,47%. Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II-2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý II-2020 tăng 5,33% so cùng kỳ 2019, trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 6,23% trong quý II, dự kiến trước đây là 11,21%.
Dịch COVID-19 cũng tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2-2020 giảm mạnh so tháng trước và so cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh… Trước tình hình khó khăn này, hai tháng đầu năm nay, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16.200 DN, tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước; số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9.400 DN; số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 DN. Điều này sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế cả năm, nếu tình hình không có dấu hiệu cải thiện.
Mặt khác, việc thiếu nguyên liệu, thị trường... đang là nguyên nhân khiến nhiều DN tiếp theo đứng trước nguy cơ dừng hoạt động. Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3-2020. Dự kiến cuối quý I-2020, các DN sản xuất, lắp ráp ô-tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện. Đa số DN ngành dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4-2020.
Không chỉ hoạt động thương mại, kinh doanh của DN chịu tác động mà vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện hai tháng ước tính chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cho biết, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Điều này thấy rõ rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể “miễn dịch” với các cú sốc bên ngoài.
Trước tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, TS Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Nhà nước cần phải có gói hỗ trợ cho DN và người lao động. Từ kinh nghiệm qua khủng hoảng kinh tế năm 2008 cho thấy, nếu chúng ta để DN thiệt hại quá lớn thì khả năng phục hồi và tinh thần kinh doanh của họ bị mất mát rất nhiều. Do đó, lần này cần phải có gói giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, ngoài việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, Chính phủ cần có chính sách giãn, hoãn, giảm thuế để DN vượt qua khó khăn, cũng như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho vay mới. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần có những giải pháp tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Việt Nam cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hóa thị trường. Phải chú trọng hơn việc xây dựng và điều hành chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển CNHT, phát triển DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển DN tư nhân trong nước, lựa chọn thế hệ các nhà đầu tư FDI có khả năng tích hợp và liên kết với cộng đồng DN trong nước, đẩy mạnh cải cách khu vực DN Nhà nước, thật sự đặt DN Nhà nước trước áp lực của thị trường. Đồng thời phải xây dựng được một nền hành chính minh bạch, một môi trường kinh doanh thân thiện và cạnh tranh công bằng. Chỉ có nền tảng thể chế như vậy mới là bệ đỡ nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thì cho rằng, về lâu dài cần có các giải pháp căn cơ để đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu và phát triển nhanh CNHT để giảm dần phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, nhất là trong chế biến, chế tạo của khu vực DN trong nước. Qua đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ít phụ thuộc hơn, nâng cao khả năng chống và thích ứng với các biến động. Khơi dậy nội lực, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước, khuyến khích DN Việt Nam phát triển./.
Theo Thời Nay