Đặc sắc lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bà-la-môn tổ chức tại di tích tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bình Thuận), là dịp để người dân nơi đây bày tỏ lòng biết ơn, tôn vinh tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ, che chở cho cộng đồng.

Theo Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận, năm nay lễ hội Katê được tổ chức, kết hợp công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

 Linga vàng vừa được công nhận bảo vật quốc gia

Linga vàng vừa được công nhận bảo vật quốc gia

Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều di sản văn hóa Chăm ở Bình Thuận đã được nhà nước xếp hạng, đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục dựng và phát huy có hiệu quả, trong đó có 2 ngôi tháp và 3 ngôi đền thờ được xếp hạng di tích quốc gia; 5 ngôi đền thờ được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 2 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Người dân và du khách nô nức dự lễ hội Katê năm 2024 tại tháp Pô Sah Inư

Người dân và du khách nô nức dự lễ hội Katê năm 2024 tại tháp Pô Sah Inư

 Nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính

Nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính

Lễ hội Katê thường diễn ra vào tháng 7 theo lịch Chăm (tương đương với khoảng tháng 9 hoặc 10 dương lịch). Lễ hội được tổ chức tại các đền tháp cổ của người Chăm, như tháp Pô Nagar, tháp Pô Klong Garai. Đây là những di tích tôn giáo quan trọng, nơi thờ phụng các vị thần như Pô Inư Nưgar và các vị vua anh hùng của người dân tộc Chăm.

 Nghi lễ dâng cúng tổ tiên tại tháp

Nghi lễ dâng cúng tổ tiên tại tháp

 Cô gái người Chăm cầu nguyện cho gia đình, người thân gặp được nhiều may mắn, niềm vui trong năm mới

Cô gái người Chăm cầu nguyện cho gia đình, người thân gặp được nhiều may mắn, niềm vui trong năm mới

Lễ hội Katê là một trong những sự kiện văn hóa truyền thống quan trọng nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn, tổ chức hằng năm tại tỉnh Bình Thuận và một số vùng khác có cộng đồng người Chăm sinh sống. Nét đặc biệt của lễ hội Katê là sự kết hợp giữa tín ngưỡng Bà-la-môn và các yếu tố văn hóa bản địa. Những nghi thức trang nghiêm như lễ rước y trang của các vị thần, lễ dâng cúng tại tháp, hòa cùng các hoạt động vui chơi giải trí, điệu múa quạt, múa trống Ginăng, điệu múa truyền thống của người Chăm, cùng với tiếng kèn Saranai tạo nên không khí lễ hội đầy sắc màu và thiêng liêng.

 Tiết mục múa quạt đặc sắc của các cô gái Chăm tại lễ hội Katê năm 2024

Tiết mục múa quạt đặc sắc của các cô gái Chăm tại lễ hội Katê năm 2024

Đến với lễ hội, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Thuận Thanh Thị Kỷ chia sẻ: "Hòa chung không khí ngày lễ, cộng đồng người Chăm tỉnh Bình Thuận rất vui. Mọi người đều nô nức đến tham gia lễ hội Katê và để biết thêm về bảo vật quốc gia Linga vàng của đồng bào Chăm, để con cháu người Chăm sau này biết về di sản lịch sử văn hóa cũng như bảo tồn cho các thế hệ mai sau, đặc biệt là các thanh thiếu nhi hiện nay”.

Rạng rỡ trong bộ trang phục truyền thống, em Nam Lễ Hải Vân chia sẻ thêm: "Tất cả mọi người ai cũng háo hức đến lễ hội Katê để được thờ cúng các vị thần linh, cầu mong cho mọi gia đình gặp được nhiều niềm vui tốt lành trong năm mới”.

 Du khách nước ngoài thích thú tham gia lễ hội

Du khách nước ngoài thích thú tham gia lễ hội

 Hoạt động biểu diễn văn nghệ trong lễ hội mang đậm dấu ấn và bản sắc riêng của người Chăm

Hoạt động biểu diễn văn nghệ trong lễ hội mang đậm dấu ấn và bản sắc riêng của người Chăm

Katê không chỉ là dịp để người Chăm thể hiện tín ngưỡng mà còn là một cơ hội quan trọng để kết nối cộng đồng. Những người Chăm từ khắp nơi trở về quê hương, cùng nhau tham gia lễ hội, ôn lại những giá trị văn hóa truyền thống và gia tăng tình đoàn kết.

Anh Minh - Trùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dac-sac-le-hoi-kate-cua-dong-bao-cham-o-binh-thuan-post392066.html