Làng biển Khải Lương

Nhắc đến những làng chài ở tỉnh Khánh Hòa thì không thể bỏ qua Khải Lương. Mặc dù ở xa và chỉ có thể đến làng bằng đường thủy nhưng nơi này vẫn thu hút nhiều du khách ghé thăm hằng năm. Bởi cuộc sống người dân làng chài mộc mạc, đơn sơ, bao quanh là khung cảnh non nước hữu tình...

Là một trong 2 thôn đảo của xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, thôn Khải Lương nằm cách biệt với đất liền khoảng hơn 25km. Trên bản đồ thì thôn Khải Lương chỉ là một chấm nhỏ ở phía Nam sát cuối bán đảo Hòn Gốm, sát Cửa Bé vào vịnh Vân Phong. Đến đây, ta mới thấy được vẻ đẹp nên thơ của một làng biển đặc trưng miền Nam Trung bộ.

Làng biển Khải Lương trải đều quần tụ từ mép sóng lên tới đồi cao của bán đảo Hòn Gốm. Từ đây có thể ngắm toàn bộ Cửa Bé của vịnh Vân Phong bao la xanh biếc. Làng với những ngôi nhà đẹp nằm trên các triền đồi xanh biếc cây rừng, sát mép biển có những mỏm đá muôn hình vạn trạng nhấp nhô. Người dân biển hàng trăm năm trước đã biết chọn vị trí đẹp nhất cuối bán đảo Hòn Gốm để lưu trú. Có lẽ xuất phát từ những lần đi đánh bắt ngoài khơi hay trong lộng, ngư dân đã nhận thấy nơi đây thực sự là chốn thuận lợi nên đã lập ấp xây làng…

Một góc làng biển Khải Lương

Một góc làng biển Khải Lương

Làng Khải Lương không có đường bộ tới đây, tất cả chỉ đi bằng thuyền. Khi tàu lượn một vòng qua vách đá cheo leo nghiêng ra biển của bán đảo, ta sẽ thấy ngay một làng biển yên bình, hiền hòa. Khải Lương ấn tượng, thu hút du khách không chỉ cảnh sắc nên thơ mà tại làng còn có chùa Đại Hải (Đại Hải tự) trên đỉnh núi và mái đình rêu phong cổ kính ngay cửa ngõ của làng biển. Nơi đây thờ các vị tiên chỉ khai thiên lập ấp, thờ thần Nam Hải - cá ông linh thiêng. Nép ẩn vào không gian cổ kính đó chính là làng biển với những người dân chất phác.

Khải Lương có rừng, núi, đảo và biển. Xưa, những cánh rừng bao la ở bán đảo Hòn Gốm đã che chở, cung cấp vật liệu xây dựng, bao bọc cuộc sống mưu sinh hằng ngày cho người dân nơi đây thì nay cũng thế, từ những dòng nước ngọt mát lành trên núi chảy xuống làng làm các giếng nước quanh năm tràn trề, trong veo. Trước đây, mùa biển động, người dân đi làm rẫy thì nay thêm nghề nuôi trồng trên vịnh với những loài thủy sản có giá trị như: Tôm hùm, cá bớp, cá chim, ngọc trai… càng làm cho đời sống người dân thêm sung túc. Tại đây, những món hải sản tươi sống do ngư dân làng chài đánh bắt được chế biến không quá cầu kỳ, giá cả hợp lý cũng là điểm cộng cho du lịch làng biển. Giữa thiên nhiên bao la, hít hà hơi gió biển, được thưởng thức những món đặc sản với sự chân thành của người dân làng chài, khiến ai đã đến Khải Lương đều khó quên.

Nơi đây, mỗi ngày các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa bám trụ, lăn lộn với sóng gió và luôn kề vai, sát cánh cùng người dân trong làng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Tại làng có nhiều câu chuyện về mối thâm tình thể hiện sự đoàn kết, tình quân - dân tại địa bàn xa đất liền này…

Khải Lương hôm nay đang dần thay “áo mới”, với những nét tích cực về chất và lượng. Trong tương lai, “chiếc áo” ấy sẽ tiếp tục được điểm tô thêm những sắc màu tươi mới từ chính bàn tay và khối óc của những con người vẫn ngày đêm miệt mài bám biển làm giàu và xây dựng quê hương.

Thanh Trà (T/H)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/127086/lang-bien-khai-luong