Phổng Lái vào vụ chè xuân

Chè xuân là lứa chè đầu tiên của năm, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, bởi hương vị đậm đà. Những năm qua, cây chè đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, không chỉ là loại cây giúp người dân thoát nghèo, mà còn trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu.

Người dân xã Phổng Lái thu hái chè xuân.

Người dân xã Phổng Lái thu hái chè xuân.

Cũng như nhiều hộ trồng chè khác trong bản, ngay sau khi thu hoạch lứa chè cuối vụ 2020, gia đình anh Trần Đình Kiên, bản Kiến Xương nhanh chóng đốn tán chè, tập trung làm cỏ, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Anh Kiên cho biết: Gia đình tôi có trên 1 ha chè, sau mấy tháng chăm sóc, lứa thu hái đầu tiên sản lượng không lớn nhưng được giá, từ 8.000 - 11.000 đồng/kg. Dự kiến vụ chè xuân năm nay thu khoảng 5 tấn chè búp tươi.

Đến thăm Công ty TNHH Trà Thu Đan, không khí sản xuất ở đây hối hả. Chè búp tươi sau khi thu hái được vận chuyển ngay về nhà máy, chế biến trên dây chuyền hiện đại nên sản phẩm chè khô luôn có chất lượng cao, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Anh Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu 300 ha chè Kim Tuyên. Công ty đầu tư toàn bộ cây giống cho các hộ nông dân trồng; cử kỹ thuật viên xuống hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu hái. Do đó, vùng chè nguyên liệu của Công ty luôn duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng Công ty vẫn xuất khẩu hơn 350 tấn chè sang thị trường Đài Loan. Dự kiến vụ chè xuân năm nay, Công ty sẽ thu mua khoảng 500 tấn chè nguyên liệu cho người dân.

Còn tại HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, không khí lao động cũng hết sức nhộn nhịp. Chè búp tươi của nông dân chở về được đưa ngay vào dây chuyền chế biến tự động. Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Giám đốc HTX thường xuyên có mặt để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ông Khiêm, chia sẻ: HTX đầu tư dây chuyền chế biến tự động từ năm 2013, với công suất chế biến trên 30 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương 6 tấn chè khô thành phẩm. Hiện mới bước vào đầu vụ, nên sản lượng thu hái chưa lớn, HTX mới chỉ vận hành khoảng 50% công suất, dự kiến khoảng nửa tháng nữa sẽ vận hành tối đa công suất.

Về trụ sở xã Phổng Lái, chúng tôi được ông Sùng A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã mời thưởng thức ấm chè xuân. Thoáng nhìn, tưởng như chè chưa ngấm nước, nhưng khi nhấp có vị đặc trưng, hương thơm dịu nhẹ, vị ngọt đọng lại nơi cổ họng.

Ông Sùng A Mang, cho biết: Hiện, xã Phổng Lái có trên 800 ha chè, với hơn 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè, tạo thu nhập cho trên 2.000 lao động trên địa bàn xã. Ngay từ đầu năm, UBND xã đã chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc các diện tích chè đúng quy trình kỹ thuật, khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo sản phẩm sạch. Đồng thời, phối hợp với đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đảm bảo cho cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Khuyến khích bà con nhân dân tiếp tục trồng mới, cải tạo những diện tích chè già cỗi, năng suất thấp bằng giống chè lai cho năng suất cao hơn.

Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực ở Phổng Lái, không những tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, mà nhiều hộ đang giầu lên từ trồng chè. Rất nhiều nông dân ở xã Phổng Lái đang đầu tư, mở rộng diện tích, chú trọng nâng cao chất lượng chè theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, từng bước đưa thương hiệu chè Phổng Lái vươn xa.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phong-lai-vao-vu-che-xuan-38247